July 29, 2008 | 08:45 GMT+7

Dự án thép vào Việt Nam: “Mừng ít, lo nhiều”

Mạnh Chung

Cần phải xem xét cẩn trọng lợi ích, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài với các dự án thép vào Việt Nam

"Giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có phôi thép đang tăng cao mà các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn thì điều đó cần phải đặt một dấu hỏi."
"Giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có phôi thép đang tăng cao mà các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn thì điều đó cần phải đặt một dấu hỏi."
Cần phải xem xét cẩn trọng lợi ích, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài với các dự án thép vào Việt Nam.

Đây là quan điểm của bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - khi nhìn nhận về nhiều dự án thép có 100% vốn nước ngoài và liên doanh đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, trong đó có cả dự án thép được coi là “siêu dự án” FDI ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Trao đổi với VnEconomy, bà Lan nói:

- Việc có khá nhiều dự án thép với qui mô lớn đầu tư vào Việt Nam, theo tôi chỉ có một khía cạnh tích cực duy nhất là, các tập đoàn, các công ty nước ngoài vẫn đang cảm nhận được Việt Nam là một thị trường có tiềm năng, có khả năng sinh lời nên họ mới đầu tư vào.

Nhưng về phía Việt Nam thì rất cần phải cẩn trọng xem xét lại nhiều mặt, cả lợi ích, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Tại sao chúng ta phải cẩn trọng, và những mặt đó là gì, thưa bà?

Thứ nhất, liệu Việt Nam có tiêu hóa được những dự án lớn như vậy hay không? Vì trên thực tế có nhiều dự án lớn cam kết giữa Việt Nam lâu nay nhưng không hề được thực hiện, tức sự chênh giữa cam kết vốn đầu tư và giải ngân thường là một chênh lệch rất lớn.

Thứ hai, cần phải xem những dự án đó có khả thi hay không, có thực sự mang lại lợi ích cho cả nước chủ nhà và nhà đầu tư hay không. Vì giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có phôi thép đang tăng cao mà các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn thì điều đó cần phải đặt một dấu hỏi.

Thứ ba, là liệu trong số các nhà đầu tư dự án thép này có bao nhiêu nhà đầu tư kiểu như Tập đoàn Intel, hay chỉ là sự “hứng khởi” của họ cộng với phía Việt Nam đang rất háo hức, để họ đưa dự án vào. Trước khi đầu tư vào Việt Nam, Intel đã có một cái nghiên cứu cẩn trọng thị trường trong 10 năm trời, riêng đàm phán ở Việt Nam là hơn 5 năm, họ kiên trì, phân tích từng điểm rất nhỏ một.

Cuối cùng là nguy cơ về môi trường. Trên thực tế đã có rồi, kể cả những nhà đầu tư vào đã có những cam kết thực hiện qui định về môi trường nhưng hoàn toàn không làm. Nhưng chúng ta cũng không có một cơ chế, chế tài đầy đủ giải quyết nghiêm túc. Và nếu như không nghiêm khắc trong vấn đề môi trường thì đó sẽ có một cái giá phải trả cực lớn trong tương lai.

Hiện giá thép và nhu cầu thép trong nước cũng như thế giới rất cao, trong khi các doanh nghiệp thép chưa đáp ứng được. Vậy về định hướng, cơ bản  những dự án đầu tư này là đúng, thưa bà?

Đúng.

Nhưng với nhu cầu của đất nước thì chỉ cần một hai dự án có hiệu quả là đủ. Đằng này, với gần ấy dự án thép vào Việt Nam thì cái dư thừa sẽ là cực lớn.

Hơn nữa, nhu cầu về năng lượng cũng sẽ rất lớn. Liệu ngành điện có đáp ứng được nhu cầu hay không hay cả nền kinh tế phải gồng mình đáp ứng năng lượng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khi mình đang thiếu năng lượng.

Hai là nguyên liệu lấy đâu ra trong khi giá cả nguyên liệu này tăng ầm ầm. Ngay cả nhập khẩu cũng không dễ dàng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khi sản xuất ra, từng ấy sản lượng sẽ tiêu thụ ở đâu?

Tất cả những cái đó hoàn toàn không đơn giản. Cho nên, tôi nói, dự án thép vào, nghe thấy mừng thì ít mà lo thì nhiều. Cái mừng chỉ thấy rõ mục tiêu là nó là phần tín hiệu để người ta thấy được Việt Nam là nơi làm được, nhưng tất cả các nhân tố khác đều không tạo cho tôi sự phấn chấn nào hết mà chỉ gây mối lo lắng rất lớn.

Theo bà, liệu các dự án thép này có buộc các doanh nghiệp thép Việt Nam phải vào guồng cạnh tranh cao hơn?

Thực ra cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép ít nhiều đã có và cạnh tranh là tốt, không có gì. Tôi nghĩ bản thân các doanh nghiệp đó nếu có thiệt hại trong cạnh tranh cũng không lớn bằng cả nền kinh tế Việt Nam phải chịu.

Như tôi đã nói, trong điều kiện năng lượng hiện nay, những dự án thép như thế đòi hỏi công suất cung cấp điện không biết bao nhiêu mà kể, trong khi điện ngày càng đắt đỏ lên, bao nhiêu người phải chịu cắt điện hiện nay. Giờ lại bắt hàng triệu người dân nhường điện tiếp cho những ông to đùng ở bên ngoài đó.

Có thể họ lợi dụng tình hình ở Việt Nam, điện ít nhiều còn do nhà nước bao cấp thì họ vào đây sử dụng điện giá rẻ của mình. Vậy có đáng bao cấp cho những ông ấy hay không?

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay rất khôn, họ lợi dụng, tận dụng cơ chế của mình, cam kết của mình là đối xử tình cảm, thành ra giá áp dụng cho doanh nghiệp trong nước như thế nào thì áp dụng cho nước ngoài như vậy.

Theo bà,  nếu các dự án thép này đi vào hoạt động có hiệu quả thì sẽ mang lại những lợi ích gì?

Tôi chưa dám chắc những lợi ích mà họ mang lại. Tuy nhiên, trong khi kinh nghiệm thực tế cho thấy, năm 2007, Tp.HCM vẫn có khoảng 70% nhà đầu tư nước ngoài báo cáo là lỗ, cái lỗ đó có thể là sai trái.

Một là kỳ vọng lợi nhuận của họ không đạt được và có lỗ thật. Khả năng thứ hai cũng rất lớn mà Việt Nam cũng chưa đủ năng lực để kiểm soát được là cái lỗ họ chuyển vào Việt Nam còn cái lãi chuyển về công ty mẹ.

Trong cách kinh doanh của họ kiểu chuyển giá là một thủ thuật các công ty đi làm ăn quốc tế họ áp dụng rất nhiều nhưng Việt Nam chưa đủ trình độ để kiểm soát cho nên chuyện đó hoàn toàn có thể có. Và vì họ tuyên bố lỗ ở Việt Nam nên tất cả những lợi ích họ hứa hẹn mang cho Việt Nam như nộp thuế, thứ này thứ khác sẽ không có, trong khi mình phải è cổ ra gánh những cam kết hỗ trợ cho họ

Thực tế, việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến quyền được phân cấp của các địa phương. Vì thế các địa phương đều muốn thu hút dự án để phát triển tỉnh mình, nên việc cắt giảm dự án là rất khó?

Đúng. Hiện chúng ta có phân cấp đầu tư cho các địa phương có được quyển hạn rất lớn trong quyết định với các dự án đầu tư của nước ngoài. Nhưng có những lĩnh vực Chính phủ, Trung ương phải rất kiên quyết trong quy hoạch chiến lược của mình chứ không để quyền cho các địa phương quyết định. Đó là những dự án qui mô lớn, sử dụng nhiều tài nguyên, có thể gây ô nhiễm môi trường…

Sở dĩ như vậy vì các địa phương một là chưa đủ năng lực để thẩm định, quyết định; hai là lợi ích của địa phương chỉ tính đến lợi ích hẹp của mình chứ không tính đến tập thể chung của đất nước.

Phân cấp phải kèm với trách nhiệm. Nếu cứ để các địa phương có quyền được quyết định dự án thì nước Việt Nam này sẽ biến thành 64 nước chứ không phải là một quốc gia nữa.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate