October 29, 2024 | 11:54 GMT+7

Đủ cách thức chi “hoa hồng” để xin giấy phép, dự án

Đỗ Mến -

Nhiều vụ án khi bị phát giác đã cho thấy các doanh nghiệp tìm mọi cách để xin giấy phép, dự án. Những khoản phần trăm "hoa hồng" được thỏa thuận ngầm trong những cuộc gặp gỡ, giao dịch bí mật hoặc thể hiện dưới hình thức là quà tặng hàng hiệu, thậm chí là chi hối lộ bằng cổ phiếu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đang xét xử vụ án sai phạm đấu thầu, nhận hối lộ xảy ra tại Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế Bắc Ninh.

Theo cáo trạng, từ năm 2006-2008, UBND tỉnh Bắc Ninh ký các quyết định phê duyệt đầu tư cho 6 dự án xây dựng bệnh viện đa khoa các huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong.

Đến đầu năm 2013, 6 bệnh viện cơ bản thực hiện xong việc đầu tư hạng mục xây dựng và tiếp tục triển khai hoàn thành mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế. Tuy nhiên, phần mua sắm thiết bị chưa được bố trí nguồn vốn.

Giữa năm 2013, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (đã mất năm 2021) gặp ông Trần Văn Tuynh (giám đốc Ban quản lý dự án) đề nghị được thực hiện các gói thầu. Đổi lại, ông Phong sẽ tác động các bộ, ngành trung ương để xin nguồn vốn bổ sung từ vốn trái phiếu Chính phủ cho các địa phương.

Hồ sơ vụ án thể hiện, để xin vốn, ông Phong phải chi phí ngoại giao khoảng 10 tỷ đồng (tương ứng với 8% tổng giá trị thực tế thanh toán trước thuế của các gói thầu theo các dự án đã được phê duyệt). Trong đó, chi phần trăm cho các lãnh đạo tỉnh khoảng 4 tỷ đồng, chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Tuynh và các lãnh đạo sở, ngành liên quan khoảng 6 tỷ đồng.

Thời gian này, do Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT (đang trốn truy nã) cũng đặt vấn đề nên để tránh va chạm, 2 doanh nghiệp này được chia mỗi bên làm 3 gói thầu.

Cáo buộc thể hiện, từ năm 2015-2017, nhóm công ty của ông Phong được tạo điều kiện tham gia đấu thầu, trúng thầu trái pháp luật 3 gói thầu tại Bệnh viện đa khoa huyện Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ; còn nhóm Công ty AIC trúng 3 gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 48 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, nhóm ông Phong đưa 6 tỷ đồng cho Tuynh tại phòng làm việc của ông Tuynh và nhà riêng. Còn phía Công ty AIC đưa hối lộ 4,1 tỷ đồng cho một số lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, cơ quan tố tụng làm rõ nhiều hành vi đưa, nhận hối lộ. Theo đó, để có được văn bản chấp thuận Ban chỉ đạo cho công dân được về nước trên chuyến bay đơn lẻ, một số doanh nghiệp đã thông qua các đầu mối chi tiền tỷ “chạy” giấy phép.

Trong số đó, có đầu mối Vũ Hồng Quang đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên (cán bộ Bộ Y tế) để xin giấy phép của Ban chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi hơn 19,9 tỷ đồng. Bị can Trần Thanh Nhã đưa hối lộ hơn 7,3 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên để xin giấy phép chấp thuận cho 461 công dân về nước, hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng…

Vấn nạn chi “hoa hồng” diễn ra khá phổ biến và ở trong nhiều lĩnh vực. Trong vụ án Xuyên Việt Oil, để được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu năm 2016, 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát quỹ BOG, được cấp hạn mức tín dụng… bà Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Việc hối lộ được thể hiện dưới các hình thức là quà tặng đắt tiền như đồng hồ, xe ô tô, điện thoại…

Cá biệt, trong vụ án Lã Quang Bình, doanh nghiệp tìm cách hối lộ dưới hình thức cổ phiếu để được cấp hạn mức tín dụng. Theo đó, các bị can nộp tiền vào tài khoản chứng khoán, chuyển cổ phiếu theo thủ tục khớp lệnh thỏa thuận. Do lo sợ việc chuyển tiền qua tài khoản sẽ để lại chứng cứ, các bị can đã yêu cầu dừng chuyển cổ phiếu, trả lại tiền mặt để xóa dấu vết song bất thành.

Trên thực tế, để xảy ra các vụ án có nguyên nhân xuất phát từ việc một số cán bộ ở các bộ, ban, ngành địa phương có động vụ lợi, suy thoái đạo đức để yêu cầu, thỏa thuận, nhận hối lộ. Do đó, các cơ quan tố tụng cho rằng, cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh cán bộ trục lợi.

Đơn cử vụ án ở Bắc Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá trong các nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị can có việc xuất phát từ các vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính, các sở, ban ngành và UBND tỉnh Bắc Ninh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate