World View Enterprises, công ty công nghệ và khám phá không gian cận vũ trụ của Mỹ, đã mở đặt chỗ cho chuyến du ngoạn 5 ngày trong khinh khí cầu, cho phép hành khách ngắm nhìn một số địa danh nổi tiếng nhất trên thế giới từ độ cao hơn 30.000 mét. Các chuyến bay thương mại đầu tiên của công ty dự kiến sẽ bắt đầu và năm 2024 với địa điểm xuất phát là Công viên Quốc gia Grand Canyon.
KHINH KHÍ CẦU EXPLORER CAPSULE: 50.000 USD/VÉ
Giá trị của chuyến bay này rơi vào khoảng 50.000 USD cho một chỗ ngồi. Đến nay đã có 250 người đặt vé cho chuyến đi. Với những người tham gia ở các đợt khác, họ có thể đóng phí giữ chỗ ban đầu là 500 USD. Nhiều người cho rằng, cái giá 50.000 USD của chuyến hành trình này rẻ hơn nhiều so với chi phí bạn phải bỏ ra để thám hiểm đỉnh Everest.
World View Enterprises đưa ra lời hứa, hành khách sẽ có thể nhìn thấy đường cong Trái Đất trên nền không gian tối đen. Họ sẽ ngồi trong Explorer Capsule, khoang tàu điều áp được đưa lên bởi một khinh khí cầu heli có kích thước gần bằng sân bóng. Mỗi chuyến bay dự kiến chở 8 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn.
Nói về dự án của mình, World View Enterprises chia sẻ: “Trải nghiệm du lịch không gian World View là trải nghiệm hợp lý nhất, thời gian dài nhất và dễ tiếp cận nhất trên Trái Đất”. Các địa danh có thể sẽ được góp mặt trong chuyến hành trình đặc biệt này bao gồm công viên Grand Canyon ở Arizona, rạn san hô Great Barrier ở Úc, vườn quốc gia Serengeti ở Kenya, Cực quang ở Na Uy, rừng Amazon ở Brazil, kim tự tháp Giza ở Ai Cập và cuối cùng là Vạn lý trường thành ở Trung Quốc. Các địa điểm này được World View Enterprises gọi là “Bảy kì quan của thế giới ở tầng bình lưu”.
World View Enterprises dự định phóng 3.000 khinh khí cầu mỗi năm. Khoang tàu sẽ được tái sử dụng, nhưng khinh khí cầu chỉ bay một lần, sau đó tái chế thành những sản phẩm có thể đem lại ích lợi cho cư dân ở gần địa điểm phóng. Khi trở lại mặt đất, một chiếc dù định hướng bằng GPS sẽ dẫn đường cho khoang tàu đến vị trí chính xác để hạ cánh.
Chuyến bay lên vùng cận vũ trụ của World View Enterprises sẽ rất tiện nghi và sang trọng. Khoang tàu Explorer Capsule trang bị các camera để ghi lại toàn bộ hành trình. Trong thời gian diễn ra chuyến tham quan đặc biệt, du khách có thể thưởng thức những bữa ăn hay vào quán bar trên tàu, kết nối dữ liệu Internet, dùng kính thiên văn ngắm sao, thưởng thức cảnh đẹp hay chỉ đơn giản là thư giãn trên chiếc ghế ngả hoàn toàn. Explorer Capsule có thể chở hành khách ở mọi lứa tuổi và tình trạng thể chất, theo World View Enterprises.
Đây là lần thứ hai World View Enterprises lên kế hoạch cho chuyến bay tới vùng cận vũ trụ. Kế hoạch đầu tiên của hãng này là phóng một hệ thống khinh khí cầu - khoang tàu tương tự mang tên Voyager vào năm 2016, đưa hành khách lên tầng bình lưu. Tuy nhiên, điều này đã không trở thành hiện thực.
KHINH KHÍ CẦU SPACESHIP NEPTUNE: 125.000 USD/VÉ
Năm 2019, hai trong số những người đồng sáng lập World View Enterprises, Taber MacCallum và Jane Poynter, đã thành lập nên một công ty đối thủ mang tên Space Perspective nhằm cung cấp dịch vụ du lịch không gian với hệ thống khinh khí cầu - khoang tàu Spaceship Neptune.
Hồi tháng 7, chính công ty Space Perspective tại bang Florida này cũng đã thông báo nhận đặt chỗ cho một chuyến du hành tương tự. Space Perspective dự kiến sẽ tổ chức các chuyến bay lên rìa không gian vào đầu năm 2024 trên một phiên bản công nghệ cao của khinh khí cầu, với giá vé 125.000 USD/người (khoảng 2,9 tỉ đồng).
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của con tàu đã cất cánh hôm 18/6 từ Sân bay vũ trụ Space Coast ở TP.Titusville, bang Florida. Chuyến bay kéo dài 6 giờ 39 phút, không chở bất kỳ hành khách nào và các máy ảnh trong tàu đã ghi lại được những hình ảnh tuyệt đẹp của trái đất lúc mặt trời mọc.
Space Perspective cho biết chuyến bay thử nghiệm là một cột mốc quan trọng trên con đường thực hiện những chuyến tham quan vũ trụ với đầy đủ tiện nghi cho du khách. “Chúng tôi quyết tâm sẽ thay đổi cơ bản cách mọi người tiếp cận không gian để vừa thực hiện các nghiên cứu cần thiết mang lại lợi ích cho sự sống trên trái đất, vừa ảnh hưởng đến cách chúng ta quan sát và kết nối với hành tinh xanh”, CNN dẫn lời bà Jane Poynter, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Space Perspective, nói.
Spaceship Neptune có thể đưa 1 phi công và 8 hành khách du lịch không gian bằng khí cầu khổng lồ. Việc đặt cọc ghế ngồi sẽ được xếp theo thứ tự ai tiền trả trước cao hơn sẽ được ưu tiên bay trước. Theo chương trình, chuyến tham quan vũ trụ dài 6 tiếng dự kiến có 2 giờ đồng hồ ở vị trí cách mặt đất 30,40 km. Tiếp đó là 2 tiếng để du khách thưởng thức quang cảnh 360 độ từ khoang hành khách. Spaceship Neptune dành tiếp 2 tiếng để hạ cánh xuống đại dương. Sau đó, hành khách sẽ được chở bằng tàu thủy vào bờ.
Space Perspective đã phối hợp với PriestmanGoode (Anh) để thiết kế Spaceship Neptune. Khoang hành khách có đường kính 5m, còn vỏ khinh khí cầu bằng polyethylene có đường kính 100m. Space Perspective khẳng định toàn bộ quá trình sẽ chỉ đơn giản như đi máy bay. Và tất nhiên, chiếc khí cầu nàу có một dù dự phòng có khả năng đưɑ nó trở lại Trái đất một cách an toàn nếu có chuуện xảy ra.
THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Theo The Guardian, triển vọng du hành vào vũ trụ an toàn và giá cả phải chăng là một điều khiến nhiều người phấn khích. Nhưng để phục vụ chuyến tham quan ngoài không gian chóng vánh trong vài chục phút, tên lửa phóng tàu vũ trụ sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng đến môi trường. Tệ hơn, lượng khí thải khổng lồ của tên lửa đẩy bơm trực tiếp lên thượng tầng khí quyển, tồn tại nhiều năm ở đó.
Có nghĩa là, chuyến bay lên vũ trụ của tỉ phú Richard Branson tuy đã tạo tiền đề cho du lịch ngoài không gian, mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, đầy hứa hẹn nhưng lại không phải là ngành “công nghiệp không khói”. Ngược lại, nó tạo ra rất nhiều khí thải, gây hại cho môi trường nếu trở nên phổ biến trong tương lai. Với việc ông Jeff Bezos phóng tên lửa Blue Origin và SpaceX của tỉ phú Elon Musk lên kế hoạch cho một sứ mệnh trên quỹ đạo với phi hành đoàn toàn dân dụng, ngành du lịch vũ trụ non trẻ đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về tác động môi trường của nó.
“Chuyến bay đường dài sinh ra trung bình 1 - 3 tấn carbon dioxide trên mỗi hành khách. Trong khi đó, vụ phóng tên lửa tạo ra khoảng 200 - 300 tấn để đưa tàu du hành có 4 khách lên vũ trụ,” Phó Giáo sư Địa lý tự nhiên Eloise Marais tại Đại học College London cho biết.
Trong khi đó, khinh khí cầu sử dụng khí hydro hoặc heli để di chuyển lên cao. Space Perspective cho biết: “Loại khí nâng bên trong khinh khí cầu nhẹ hơn không khí và cho phép tàu Neptune lơ lửng trên bầu khí quyển của trái đất giống như một khối băng trên mặt nước”. Các thao tác xuất phát và hạ cánh phụ thuộc hoàn toàn vào 8 túi khí dưới đáy và một chiếc dù hình vuông ở phía trên để định hướng cho việc di chuyển. Khinh khí cầu cũng không sử dụng bất kỳ động cơ hoặc điểm phóng nào, giúp làm giảm ô nhiễm tiếng ổn và có thể sử dụng được ở mọi nơi.
Space Perspective cho rằng quá trình này sẽ đơn giản như việc lên máy bay và khoang điều áp sẽ tạo ra môi trường mà hành khách không cần mặc đồ hỗ trợ đặc biệt. Trước mỗi chuyến bay như thế này, du khách chỉ phải đến nơi bay trước 4 tiếng để chuẩn bị, chủ yếu là học những kỹ năng để đối phó với sự cố, thử thách trong không gian.
Mục tiêu của Space Perspective là đến cuối thập kỷ này mỗi năm thực hiện 500 chuyến bay cất cánh từ Cơ sở hạ cánh tàu con thoi cũ ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) của NASA ở Florida, Mỹ. Hơn thế nữa, công ty còn nhắm tới dịch vụ tổ chức đám cưới hoặc các sự kiện khác trên con tàu, từ đó mở ra nhiều triển vọng cho loại hình du lịch này.