Theo trang SCMP, tiêu dùng cho du lịch của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong "Tuần lễ vàng" Quốc khánh năm nay. Theo số liệu từ nền tảng mạng du lịch, vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày, số lượng vé tham quan các danh lam thắng cảnh trong nước ở Trung Quốc đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và lượng đặt chỗ thuê nhà AirBnB cũng tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Ứng dụng đặt chỗ cho Cố Cung cho thấy các lượt đặt chỗ từ ngày 1 - 6/10 đã được đặt kín. Hơn 30.000 du khách đã đặt chỗ tham quan Vạn Lý Trường Thành vào ngày nghỉ đầu tiên. Để đảm bảo hoạt động suôn sẻ, giờ mở cửa của Vạn Lý Trường Thành được đẩy sớm từ 5h30 sáng ngày 1/10. Vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, theo ước tính sơ bộ của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Quảng Đông, các danh lam thắng cảnh từ 4A trở lên đã đón 2,625 triệu lượt khách du lịch, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với du lịch nội địa, dữ liệu của Meituan cho thấy tính ngày 2/10, lượng tìm kiếm "du lịch Ngày Quốc khánh" đã tăng 27 lần so với cùng kỳ năm trước và 5 điểm đến phổ biến hàng đầu là Bắc Kinh, Tây An, Thành Đô, Nam Kinh và Trùng Khánh. Các đường bay Thượng Hải - Bắc Kinh, Bắc Kinh - Thành Đô, Thượng Hải - Quảng Châu... đã trở thành các đường bay nội địa phổ biến ở Trung Quốc, chỉ riêng trong ngày 1/10, số chuyến bay trên các đường bay nội địa đã vượt 17.000 chuyến và số hành khách trên cả nước dự kiến sẽ vượt 2,2 triệu lượt.
Cùng với sự gia tăng của xu hướng du lịch đi đến các huyện thị, ngày càng có nhiều người chọn đi du lịch đến các thành phố cấp quận và thị trấn, chẳng hạn như An Cát ở Chiết Giang, Shangri-La ở Vân Nam, Bình Đàm ở Phúc Kiến, Đô Giang Yển ở Tứ Xuyên và những nơi khác. Trong đó, số lượng khách đặt đến Cửu Trại Câu ở Tứ Xuyên đã tăng 109%. Nhân viên tại Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu cho biết từ khi Cửu Trại Câu chính thức bước vào “kỷ nguyên đường sắt cao tốc” và giao thông thuận tiện hơn, ngoài khách du lịch theo nhóm và gia đình, cũng có nhiều khách du lịch cá nhân ở địa phương đến tham quan khu vực.
Thứ trưởng Giao thông Trung Quốc Li Yang cho biết dự kiến có 1,94 tỷ chuyến đi trên toàn quốc trong 7 ngày nghỉ lễ. Số chuyến trung bình mỗi ngày dự kiến đạt 277 triệu lượt, tăng 0,7% so với năm ngoái và tăng hơn 19% so với 2019. Ông Li cho biết hơn 80% các chuyến đi dịp "Tuần lễ vàng" năm nay, tương đương 1,526 tỷ chuyến, là do người dân tự lái xe. 20% còn lại di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa, máy bay, tàu thủy và xe buýt.
Về du lịch nước ngoài, nền tảng đặt vé máy bay Fliggy, công ty thuộc tập đoàn Alibaba, nhận định khách Trung đang đặt nhiều chuyến đi nước ngoài hơn cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay nhờ giá vé giảm. Các chuyến bay dịp này cũng cho thấy sở thích du lịch của người Trung Quốc đang thay đổi. Du khách đang hướng đến nhiều địa điểm quen thuộc của họ tại châu Á - Thái Bình Dương như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Australia và Mỹ.
Đáng chú ý, những điểm đến xa xôi như Chile, Croatia, Bỉ, Hungary, Séc, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan, UAE và Sri Lanka lại là điểm đến có lượng đặt phòng cao nhất. Năm nay, khách Trung đi du lịch nước ngoài cũng dài ngày hơn. Kỳ nghỉ lễ chỉ kéo dài từ 1 - 7/10, song du khách Trung Quốc lại đặt chuyến du lịch dài hơn 7 ngày. Thậm chí, những người đến châu Âu sẽ ở lại lâu gấp đôi. Dữ liệu cũng cho thấy họ thường lựa chọn khách sạn trung bình cho chuyến du lịch Quốc khánh, nhưng số lượng đặt phòng khách sạn 5 sao ở châu Âu cao hơn gần gấp 3 lần so với ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo CNBC, gần 30% khách Trung Quốc đến châu Âu tham gia hành trình với nhiều điểm đến. Trong khi đó, 80% khách đến châu Á - Thái Bình Dương chỉ chọn đến một điểm. Hơn 75% du khách đi nghỉ dịp này đến thăm châu Á - Thái Bình Dương là gen Y (sinh từ năm 1981 đến 1996). Họ cũng có xu hướng lựa chọn điểm đến ít người biết đến. Chẳng hạn, với Nhật Bản, du khách bỏ qua Tokyo và Kyoto để đến Yokohama, Takayama và Ito, những nơi được đánh giá vắng vẻ, yên tĩnh hơn. Đáng chú ý, đảo Phú Quốc của Việt Nam cũng là địa điểm đang được khách Trung "để mắt".
Tại châu Âu, các chuyến đặt phòng tại Tây Ban Nha tăng 260% tại thành phố Granada, tiếp đến là Seville với 144%. Trong khi đó, Fliggy cho thấy nhiều du khách có nhu cầu thuê ôtô tự lái và đặt du thuyền trong "tuần lễ vàng", đồng thời cũng quan tâm nhiều đến các hoạt động ngoài trời như trekking, câu cá và chèo thuyền.
Năm nay, du khách nộp đơn xin visa trung bình trước 68 ngày (tính đến ngày khởi hành), sớm hơn 29 ngày so với năm ngoái. Điều này cho thấy khách Trung Quốc đã lấy lại tự tin khi đi du lịch quốc tế sau đại dịch. Đồng thời, theo số liệu từ công ty lữ hành trực tuyến Qunar có trụ sở tại Bắc Kinh, người dân tại các thành phố nhỏ (thành phố hạng 3) tại Trung Quốc cũng bắt đầu chọn đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tuần lễ vàng" năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vật lộn vì tăng trưởng chậm, người tiêu dùng vẫn thắt chặt hầu bao. Giới chức đang cố gắng thúc đẩy tiêu dùng trong nước để giải quyết vấn đề này. Bộ Du lịch cho biết ba quý đầu năm đã chứng kiến 4,28 tỷ chuyến đi trong nước, tổng chi tiêu đạt 4,32 nghìn tỷ tệ (616 tỷ USD). Số chuyến du lịch quốc tế đạt 95 triệu lượt, mới chỉ đạt tỷ lệ phục hồi 93,4% so với mức của năm 2019.
Ngày 24/9, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một loạt chính sách kích thích tiền tệ nhằm mục đích kích thích nhu cầu. Sau thông báo, chính quyền khu vực bao gồm cả Thượng Hải bắt đầu phân phát phiếu mua hàng để sử dụng tại các nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim và cơ sở thể thao trong "Tuần lễ vàng".
Dù vậy, Shaun Rein, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của China Market Research Group, cho biết số lượng chuyến đi trong nước trong kỳ nghỉ lễ này có thể vượt qua năm 2019, nhưng mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách dự kiến sẽ thấp hơn. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng tại Natixis, cũng đồng tình rằng đất nước này có thể chứng kiến mức tăng nhẹ trong tổng chi tiêu cho du lịch trong kỳ nghỉ lễ, nhưng mức tăng như vậy nên được xem xét trong bối cảnh mà bà gọi là “mức cơ sở thấp hơn” của năm ngoái.