Dự kiến chất vấn bốn vị bộ trưởng các bộ Công Thương, Tài chính, Y tế và Giao thông Vận tải đang được xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó sẽ trình Quốc hội quyết định.
Thông tin này đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn cho VnEconomy biết chiều 12/11. Cũng theo ông Đàn, hiện đã có 8/18 vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với dự kiến này. Sau khi nhận được đầy đủ ý kiến của cả 18 vị thì sẽ thống nhất lại danh sách các vị trả lời chất vấn để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Như vậy, nếu dự kiến trên đây nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu thì hai vị bộ trưởng các bộ Tài chính và Giao thông Vận tải sẽ là những người đăng đàn trong cả hai kỳ họp của năm nay.
Vinashin vẫn “nóng”
Tại kỳ họp trước, có gần 200 chất vấn bằng văn bản được gửi đến các thành viên Chính phủ. Còn tại kỳ họp này, ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu - nơi đầu tiên tiếp nhận chất vấn của đại biểu - cho biết, đến nay đã có hơn 100 chất vấn được gửi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trong đó khá nhiều chất vấn dành cho Thủ tướng.
Một trong những vấn đề được đại biểu nêu nhiều câu hỏi là trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Tuyên nói.
Cũng liên quan đến vấn đề được coi là “rất nóng” tại kỳ họp thứ tám này, chiều 12/10, trao đổi với báo chí, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay đã nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội và “đã trả lời như nội dung phát biểu trước Quốc hội”.
Vị Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho biết một số ý kiến chất vấn Thủ tướng xoay quanh mấy vấn đề như: tại sao có 11 cuộc thanh tra mà không phát hiện được sai phạm của Vinashin? Có sự bao che nào không? Sai phạm của Vinashin như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?
Trong số các vị tập trung chất vấn về Vinashin có đại biểu Lê Văn Cuông. Chất vấn gửi cho Bộ Tài chính của ông liên quan đến trách nhiệm của Bộ về quản lý vốn, tài sản… của tập đoàn.
Và câu trả lời đã đến theo công văn trả lời hỏa tốc. “Nhưng đáng buồn là nhận được trả lời né tránh, chung chung, không đi thẳng vào cụ thể. Đọc văn bản tôi cũng thấy chán. Chỉ nêu nguyên tắc quy định chung trong phân công quản lý, những giải pháp nhằm khắc phục thiếu sót, đổ vỡ thời gian tới, cấu trúc lại tập đoàn, không nêu cụ thể trách nhiệm dẫn tới sai phạm”, ông Cuông nói.
Điện, bauxite, lọc dầu...
Theo nghị trình, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 22 và kết thúc vào trưa 24/11. Tuy nhiên, đây là thời gian phần lớn dành để đối thoại trực tiếp, còn rất nhiều chất vấn bằng văn bản đã được gửi từ đầu kỳ họp và một số đã có câu trả lời, cũng bằng văn bản.
Bên cạnh Vinashin, các vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ điện, khai thác bauxite, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... cùng nhiều vấn đề dân sinh bức xúc khác đã được gửi đến các thành viên Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương câu hỏi: tại các kỳ họp trước, Chính phủ có hứa là sẽ sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa đối với các hồ đập. Vậy Bộ trưởng cho biết hiện đã có bao nhiêu quy trình được ban hành, vận dụng thực tế có tác dụng đến đâu?
Một câu hỏi nữa là cơ sở nào để hạn chế cắt điện sinh hoạt của nhân dân trong các năm 2010-2011 như Bộ trưởng đã cam kết? Dự kiến sẽ cắt điện bao nhiêu phần trăm?
Đại biểu Xuân cũng đề nghị Bộ trưởng Hoàng “cho cử tri biết” vì sao tại báo cáo nghiệm thu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng cho rằng hệ số hoàn vốn RSS còn cao hơn cả tính toán ban đầu, dù thời gian xây dựng và vốn đầu tư tăng gần gấp 3 lần?.
Đã gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội để đề cập một số nội dung, trong đó có vấn đề khai thác bauxite, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục gửi chất vấn quan điểm của bộ chủ quản về những giải pháp kỹ thuật liên quan đến việc xử lý bùn đỏ tại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hiện đang gây quan ngại đối với dư luận.
Nhiều vấn đề khác, nhiều vụ việc khác cũng đã nằm trong giấy ghi chất vấn, đã và đang được chuyển đến cơ quan chức năng. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông đã gửi 5 câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công an, hỏi về vụ việc cụ thể nhưng để tìm câu trả lời cho những vấn đề lớn đang được cử tri quan tâm.
Theo thông lệ, Thủ tướng sẽ đăng đàn
Từ không khí nghị trường và nắm bắt nguyện vọng của cử tri, dù chưa nhận được phiếu xin ý kiến cụ thể, song một số vị đại biểu cũng dự đoán nhóm vấn đề nào và ai sẽ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công Thương luôn được nhắc đến đầu tiên, tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Theo tìm hiểu của VnEonomy, việc dự kiến thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn dựa vào một số căn cứ như sau. Thứ nhất là căn cứ vào câu hỏi của đại biểu. Căn cứ thứ hai là những vấn đề nổi lên qua quá trình thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường và thứ ba là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm qua việc nắm tình hình và tiếp xúc cử tri của các đại biểu trước kỳ họp và qua báo cáo ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới kỳ họp.
Từ ba căn cứ đó, cơ quan tham mưu (Ban Công tác đại biểu) sẽ đề xuất người trả lời chất vấn. Các chất vấn gửi tới đây sau khi tập hợp xong, phân loại được chuyển ngay đến người được chất vấn để trả lời đại biểu bằng văn bản.
Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập hợp các nhóm vấn đề dự định chất vấn và gửi lại cho các đại biểu Quốc hội để xin ý kiến cuối cùng. Như vậy, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh các vị bộ trưởng thì theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm thì Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội, và theo dự kiến thì kỳ họp này có lẽ cũng không là ngoại lệ.
Tại kỳ họp cuối năm 2009, trong khoảng 230 chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nhận được 35 chất vấn và nhận được nhiều chất vấn trực tiếp từ nghị trường.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate