July 17, 2025 | 23:35 GMT+7

Dự kiến ngành xây dựng sẽ đóng góp 17,23% GDP

Phan Nam -

Trong năm 2025, ngành xây dựng cần đóng góp khoảng 17,23% giá trị GDP cả nước (tăng thêm khoảng 0,17% so với năm 2024). Ngoài ra, theo ước tính, ngành xây dựng có thể đóng góp gián tiếp khoảng 4 - 5% GDP, thông qua hiệu ứng lan tỏa tới các ngành khác như sản xuất máy móc, tiêu dùng dân cư...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa báo cáo Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp của ngành xây dựng nhằm thúc đẩy đóng góp vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

“Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành xây dựng tăng trưởng 9,62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2021-2025 lần lượt là: 4,27%; 4,35%; 5,18%: 7,80%; 9,62%), đóng góp vào 0,63 điểm % tăng trưởng và cùng với ngành công nghiệp, chiếm tỷ trọng 36,96% cơ cấu nền kinh tế quốc gia”, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG SAU SÁP NHẬP

Từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng cũng đã đưa vào khai thác thêm một số đoạn tuyến thuộc 06 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước là 2.268 km; đang nỗ lực triển khai, đôn đốc các địa phương thi công 25 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 941 km để hoàn thành trong năm 2025, nhằm đạt mục tiêu 3.000 km. Bộ cũng đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

“Việc sớm hoàn thành các dự án này sẽ góp phần giảm chi phí logistics, tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương sau sáp nhập, tạo lập kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.

Cũng theo báo cáo của Bộ thì hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng đã có sự hồi phục nhất định. Sản lượng xi măng đạt gần 46 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tăng nhẹ so với cùng kỳ; thép xây dựng, gạch ốp lát, kính xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, giá một số loại vật liệu đầu vào vẫn còn biến động, nhất là cát san lấp và vật liệu tại các khu vực đô thị hóa nhanh.

Đóng góp của các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng vào GDP trong năm 2025
Đóng góp của các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng vào GDP trong năm 2025

Về lĩnh vực quản lý bất động sản, tính đến 30/6/2025, cả nước đã hoàn thành 35.631/100.000 căn nhà ở xã hội, khởi công 26 dự án khác với quy mô 23.561 căn. Ngoài ra, đã tổ chức rà soát và tháo gỡ 136/788 dự án bất động sản có khó khăn vướng mắc và tổng hợp các dự án khác chuyển Bộ Tài chính để nghiên cứu, xử lý theo quy định.
Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ bước đầu có những kết quả tích cực. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2024, lợi nhuận ước đạt 2.299 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm đề ra 111,91 tỷ đồng…

TẬP TRUNG HOÀN THIỆN THỦ TỤC, SỚM KHỞI CÔNG CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngành xây dựng vẫn còn một số bất cập. Cụ thể là: tỷ lệ giải ngân của Bộ còn chưa cao; doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường; năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, áp dụng mô hình số hóa, xây dựng xanh còn hạn chế; thị trường bất động sản chưa phát triển tương xứng với tiềm lực.

“Nguyên nhân của thực trạng trên là do tiến độ triển khai một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu; công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc; cơ cấu, giá sản phẩm bất động sản chưa cân đối, còn tình trạng đầu cơ, thiếu công khai minh bạch trong giao dịch bất động sản...”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.

Lãnh đạo Bộ cũng cho biết trong 06 tháng cuối năm, ngành xây dựng tiếp tục bám sát mục tiêu: giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2025; hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản; duy trì tăng trưởng hoạt động vận tải khoảng 13%; sản lượng tiêu thụ xi măng đạt 95 - 100 triệu tấn, tăng 2 - 3%. Qua đó, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% của cả nước.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng đã kiến nghị  Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ X trong tháng 10/2025; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định điều chỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030, tạo cơ sở các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Để bảo đảm mục tiêu giải ngân Kế hoạch đầu tư công và hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: gấp rút hoàn thiện các khối lượng công tác giải phóng mặt bằng còn tồn tại để bảo đảm công địa thi công các dự án đường bộ cao tốc; tận dụng thời điểm thời tiết đang thuận lợi cho thi công hiện nay để đẩy mạnh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các dự án. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án quan trọng, trọng điểm ngay trong năm 2025 như: đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường bộ cao tốc...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate