March 15, 2023 | 06:37 GMT+7

Dự kiến trao quyền cho địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia ngay trong năm 2023

Ánh Tuyết -

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, hoàn thiện thông tư phân cấp cho từng địa phương quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2023. Các tỉnh cần chuẩn bị bộ máy, nhân sự tiếp nhận và tổ chức quản lý trong thời gian tới...

UBND tỉnh Hải Phòng được ủy quyền quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đoạn từ cảng cá Cát Bà đến cửa Tùng Gấu.
UBND tỉnh Hải Phòng được ủy quyền quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đoạn từ cảng cá Cát Bà đến cửa Tùng Gấu.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của tỉnh Hải Phòng về việc nghiên cứu, xem xét phân cấp thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG TRẢ LẠI QUYỀN QUẢN LÝ, BẢO TRÌ CÁC TUYẾN THUỶ NỘI ĐỊA

Bộ Giao thông vận tải cho biết những năm trước đây, ủy quyền như phân cấp theo quy định hiện nay cho một số Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố như: các tỉnh khu vực miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng thực hiện một số nhiệm vụ như: công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa; công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia.

 

Tuy nhiên, "quá trình thực hiện có một số địa phương đề nghị Bộ Giao thông vận tải kết thúc ủy quyền và chuyển về Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện các công tác này như ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Trị…", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Trước đó, theo quy định, ngân sách sẽ giao cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa quốc gia; còn ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa địa phương.

Tuy nhiên, để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương, chủ trương phân cấp quản lý đường thủy nội địa quốc gia được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước (Nghị quyết số 04).

Tại Nghị quyết số 04, Chính phủ đã định hướng phân cấp một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia cho địa phương thực hiện và giao Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn năm 2023-2025 xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa để thực hiện định hướng phân cấp nêu trên.

HẢI PHÒNG SẼ TIẾP QUẢN ĐOẠN TỪ CẢNG CÁ CÁT BÀ ĐẾN CỬA TÙNG GẤU

Vì vậy, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, Bộ Giao thông vận tải đã giao và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã hoàn tất xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường thủy nội địa, trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phân cấp, phân quyền và thực hiện việc phân cấp căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương.

Trên cơ sở kết quả đề án, bước đầu, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP.

Theo đó Nghị định số 54 quy định việc phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về cảng, bến thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia.

 

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng, hoàn thiện thông tư để phân cấp cho từng địa phương, đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan, điều kiện, đặc điểm của từng địa phương; dự kiến trong năm 2023 sẽ ban hành.

Song song với việc triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Thông tư để quy định việc phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia, đảm bảo khi nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì thông tư phân cấp cũng có hiệu lực thi hành.

Với Hải Phòng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp ngày 22/10/2022 về Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chuẩn bị bộ máy, nhân sự tiếp nhận, tổ chức quản lý trong thời gian tới.

Đồng thời, giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng trong quá trình thực hiện theo quy định.

Đối với nội dung đề nghị phân cấp thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 4077/QĐ-BGTVT ngày 16/11/2015 về việc ủy quyền quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đoạn từ cảng cá Cát Bà đến cửa Tùng Gấu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate