Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết quý 1/2023, các chỉ tiêu vận tải hành khách đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 200%.
Trong đó, tàu khách Thống Nhất doanh thu tăng trưởng 150%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng “kỷ lục” hơn 650%. Các chỉ tiêu khác như doanh thu hành lý, doanh thu hàng hóa vận chuyển theo tàu khách cũng tăng trưởng cao, khoảng 29% so với cùng kỳ 2022, đưa tổng doanh thu tàu khách tăng trưởng khoảng 185%.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đạt kết quả cao. Theo đó, sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng trưởng khoảng 136% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu vận tải hành khách đạt hơn 360 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 147%. Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng khoảng 128%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng khoảng 190%.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sở dĩ ngành đường sắt có con số tăng trưởng ấn tượng là do quý 1 có đợt cao điểm vận tải dịp Tết Nguyên đán, lượng khách đi tàu đông. Ngành đường sắt đã áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, xây dựng giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách.
Đặc biệt, để thu hút chiều vắng khách, ngành đường sắt giảm sâu giá vé tùy theo cự ly vận chuyển, ngày đi tàu, loại chỗ. Có loại chỗ giảm từ 50 - 65% giá vé kỳ thấp điểm. Cùng với đó, áp dụng chính sách hành khách mua vé trước nhiều ngày được giảm từ 20 - 40% giá vé. Trong thời gian chạy tàu dịp thấp điểm sau Tết, ngành tiếp tục áp dụng các chính sách giảm giá vé, khuyến mại nhằm hút khách đi tàu như: Áp dụng bán vé nhóm “mua 3 vé tặng 1 vé”; giảm giá vé cho đoàn khách; giảm giá vé mua nguyên phòng, nguyên toa...
Đón mùa cao điểm hè, cũng như ngành hàng không, ngành đường sắt đã sớm xây dựng phương án tăng tải trên tuyến Bắc - Nam và các tàu khu đoạn đến các vùng du lịch. Cụ thể, trong đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 này, bên cạnh duy trì chạy hằng ngày các đôi tàu khách Thống Nhất, ngành Đường sắt tăng cường 52 đoàn tàu, chủ yếu kết nối Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương thu hút lượng khách du lịch đông như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận…
Khảo sát trên trang bán vé trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, nhiều chuyến tàu trong tình trạng khan hiếm vé. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Đồng Hới đi ngày 27/4, về ngày 3/5, tàu SE7 chỉ còn vài chục chỗ trống, trong đó chủ yếu là ghế ngồi mềm điều hòa và lẻ tẻ một số chỗ giường nằm điều hòa. Các tàu SE1, SE3, SE5, SE19 đều hết chỗ. Cũng thời gian trên, tuyến Hà Nội - Vinh, các tàu SE1, SE3, SE5, SE19 đều cơ bản hết chỗ...
Đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị cung ứng 81.000 vé trong thời gian từ ngày 27/4 đến 3/5. So với năm 2021 và các năm trước dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ năm nay tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã bán hết vé chiều từ Hà Nội đi các địa phương. Trong khi đó, đại diện Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết đã bán được 39.000 vé dịp nghỉ lễ. Trong đó, ngày 28/4 gần như hết vé, những ngày còn lại trong dịp nghỉ lễ vẫn còn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lưu ý, thời gian này ngành đang áp dụng nhiều tuyến tàu tăng cường kèm những chính sách giá ưu đãi cho du khách. Khu vực phía Bắc, chạy thêm 22 đoàn tàu trên các tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai và ngược lại. Riêng tuyến ga Hà Nội – Hải Phòng được bán với hình thức vé tháng không giới hạn số lượt đi trong ngày và sử dụng được mọi chỗ và trên cả các toa chất lượng cao.
Trước đó, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, tàu du lịch cao cấp được chính thức mở lại để phục vụ cho du lịch. Trong đó, tàu SE19 chạy hàng ngày tuyến Hà Nội - Đà Nẵng và tàu SE20 chạy hàng ngày tuyến ngược lại Đà Nẵng - Hà Nội. Tàu có thiết kế hiện đại, không gian thoáng, độ an toàn cao, có khả năng cách âm, chống cháy. Toa giường nằm thiết kế ấn tượng, sang trọng áp dụng chính sách giá vé hấp dẫn, thấp hơn khoảng 15 -20% và các chính sách hấp dẫn khác dành cho khách du lịch theo đoàn.
Khu vực phía Nam, có thêm 28 đoàn tàu từ Sài Gòn đi các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết và ngược lại. Cùng với đó, tăng cường 10 đoàn tàu dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong các ngày từ 26/4 đến 3/5.
Mới đây, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cũng đã tổ chức lễ ký kết ra mắt mô hình "Hành lang đường sắt an toàn, sạch, xanh và thân thiện môi trường" nhằm phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" tại TPHCM. Công ty đã phối hợp cùng UBND phường 13 (quận Bình Thạnh) tổ chức trồng hơn 1.000 chậu hoa mười giờ và 70 cây giáng hương dọc hành lang tuyến đường ray.
Mô hình nêu trên được triển khai theo kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tổ chức trồng hoa tại các khu ga, hai bên đường sắt và địa điểm làm việc trên tuyến đường sắt. Cụ thể, tại các khu ga, trụ sở làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt... sẽ nghiên cứu trồng một loại hoa mang đặt trưng vùng miền, tạo điểm nhấn đặc thù giúp du khách dễ nhận diện các khu ga, cung đường theo cây trồng...
Ông Nguyễn Công Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn chia sẻ, việc này sẽ triển khai thực hiện trên 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua, cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2025). Công ty đã triển khai nghiên cứu tại các khu ga, cung đường, trạm chắn, hành lang dọc hai bên đường sắt. Căn cứ vào từng điều kiện, diện tích để xây dựng phương án phù hợp.