Ở thời điểm hiện tại, trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội như: Facebook, WhatsApp, Instagram, X (Twitter), Orkut, Hi5, Friendster, QQ, Sina Weibo, Bebo, CyWorld, Mixi... Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, những quốc gia có ngành du lịch phát triển như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... đang tận dụng rất tốt mạng xã hội để mở những kênh thông tin chính thức quảng bá du lịch.
Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã tạo tài khoản Facebook từ năm 2008, cho phép STB tiếp cận và tương tác với người hâm mộ thương hiệu YourSingapore trên mạng xã hội. Hiện nay, tài khoản YourSingapore trở nên phổ biến tại 13 thị trường như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ...
Trên phạm vi toàn thế giới, các mạng xã hội như: Facebook, X, Instagram… đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với các công ty du lịch. Tại một hội thảo quốc tế về du lịch được tổ chức cách đây không lâu ở thành phố Cannes (Pháp), các chuyên gia trong lĩnh vực này đều nhìn nhận internet như một cơ hội cho ngành du lịch. Thậm chí, nhiều khách sạn lớn đã mời những nhà quản lý mạng xã hội tới để giúp nâng cao danh tiếng của mình.
Thực tế, thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng ưa chuộng, tin tưởng người viết blog du lịch với những trải nghiệm thực thụ hơn là những thông tin mang tính quảng cáo. Theo từng năm, nhu cầu tương tác qua mạng xã hội của khách du lịch ngày càng tăng. Nhóm khách hàng trẻ luôn đòi hỏi những yêu cầu, thắc mắc của họ phải được các hãng hàng không, công ty du lịch... trả lời và giải quyết nhanh chóng, thông qua mạng xã hội. Điều này làm thay đổi hoàn toàn chiến lược chăm sóc khách hàng của toàn bộ ngành du lịch.
Tại Việt Nam, du khách Gen Z coi mạng xã hội là nguồn cảm hứng chính khởi đầu cho các kế hoạch du lịch. Theo nghiên cứu của nền tảng Booking.com, có 69% người được hỏi sử dụng các nền tảng như Instagram, Tiktok, Facebook hay Youtube để tìm kiếm ý tưởng cho chuyến đi tiếp theo; 67% người muốn du lịch tới địa điểm từng xuất hiện trong phim hoặc chương trình truyền hình; và 60% mong muốn trải nghiệm những món ăn và nét văn hóa đã được giới thiệu trên phương tiện truyền thông.
Kết quả này tương đồng với công bố "Nghiên cứu và phân tích xu hướng thị trường du lịch 2024" của nền tảng AppotaPay mới đây, với các số liệu đáng chú ý như 91% du khách Việt và các dịch vụ du lịch dựa trên đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội; 73% người Việt dùng mạng xã hội để lên kế hoạch du lịch; hay 61% du khách Việt tin vào những nhà sáng tạo nội dung không nổi tiếng.
Như vậy, công nghệ 4.0 mở ra nhiều cánh cửa để kết nối con người và thế giới. Với ngành du lịch, mạng xã hội được xem là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng. Cũng theo thống kê, hơn 90% khách du lịch tích cực đăng và chia sẻ chuyến phiêu lưu của họ lên mạng xã hội, đa phần để lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Những thông tin đăng tải cá nhân này một lần nữa trở thành nguồn tham khảo cho những du khách khác. Đây được xem là sự đánh giá khách quan, tin cậy về các điểm du lịch, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt là video vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch, thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ - vé điện tử; kênh truyền thông trên các nền tảng số; truyền thông trên nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok...
Tuy nhiên, thực tế là nhiều điểm đến tại Việt Nam vẫn đang hiện diện khá yếu trên các nền tảng trực tuyến, vì vậy đòi hỏi sự chung tay, liên kết và phát huy nhiều nguồn lực cả từ khu vực nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực chuyển đổi số du lịch. Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Các địa phương triển khai chuyển đổi số đồng bộ với nội dung chuyển đổi số của Bộ VHTT&DL nhằm tránh manh mún, lãng phí nguồn lực.
Tại cuộc họp báo ra mắt ứng dụng mạng xã hội Xintel tại Hà Nội vừa qua, ông Hoàng Quốc Hòa cũng nhấn mạnh yếu tố then chốt để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất tại Việt Nam đó là hình thành các nền tảng số dùng chung trong toàn ngành du lịch để tạo sự tập trung, đồng bộ về dữ liệu.
Hiện những sáng kiến chuyển đổi số do Chính phủ, cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch – lữ hành Việt đã triển khai như áp dụng công nghệ IoT (internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), VR/AR (công nghệ thực tế ảo), dữ liệu lớn… vào quản lý du lịch, đang tạo nền móng cho những cải tiến vượt bậc của ngành này. Bên cạnh đó, không chỉ giúp tối ưu hóa trải nghiệm du khách mà giải pháp công nghệ còn hỗ trợ các bên trong chuỗi cung ứng ngành Du lịch Việt vận hành hiệu quả và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Với sự ra đời của ứng dụng du lịch Xintel, ứng dụng công nghệ chuyển ngữ giúp du khách quốc tế dễ dàng giao tiếp và trải nghiệm văn hóa tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng chuyển đổi số quốc gia về du lịch. "Quan điểm của cơ quan quản lý sẽ đồng hành không chỉ với Xintel mà với cả các mạng xã hội, công ty công nghệ khác để xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc", ông Hoàng Quốc Hòa chia sẻ.
Đại diện mạng xã hội du lịch Xintel cho biết hiện nay đã có khoảng 30.000 tài khoản tham gia nền tảng này. Công cụ này được kỳ vọng hỗ trợ du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch liền mạch tại Việt Nam, nhờ ứng dụng công nghệ AI trong dịch thuật, tư vấn du lịch, đặt dịch vụ, gợi ý trải nghiệm... Xintel cũng đặt mục tiêu trở thành cầu nối giữa khách du lịch trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các mô hình du lịch của người dân địa phương, qua đó giảm thiểu các chi phí quảng cáo và tiếp cận thị trường.