Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025 vừa qua, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch hạng 4 - 5 sao tại Hà Nội đạt khoảng 80%. Trong đó, một số khu căn hộ, khách sạn đạt công suất sử dụng phòng khá cao như: khách sạn Sheraton Hanoi West, khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, chuỗi khách sạn Silk Path, khách sạn La Nueva Boutique Hotel Hanoi, khách sạn Lotte Hanoi...
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy thành tựu của du lịch Hà Nội đã được chứng minh bằng nhiều giải thưởng uy tín như: “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam 2024”; “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2024”; “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng...
“Điều này cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch Thủ đô trên bản đồ quốc tế và khu vực, tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước”, bà Đặng Hương Giang đánh giá.
MỤC TIÊU LỚN TRONG NĂM 2025
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đề ra, trong đó khách du lịch tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, gồm 6,35 triệu lượt khách quốc tế (có 4,47 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 34,4% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110.520 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.
Năm 2025, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi toàn ngành cần tập trung và nỗ lực nhiều hơn.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 để đưa du lịch đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện đánh giá lại thị trường khách, tập trung xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm, truyền thống như: Đông Bắc Á, ASEAN, EU và tổ chức xúc tiến tại các thị trường mới, tiềm năng cao như: Ấn Độ, Đông Âu, các quốc gia hồi giáo Halal...
Đồng thời, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, tour du lịch văn hóa gắn với du lịch đêm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch trên sông. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết các tỉnh, thành phố để tạo tuyến du lịch liên vùng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và xây dựng sản phẩm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, mục tiêu của năm 2025 không chỉ thu hút khách đông mà còn phải là khách chất lượng, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. “Việc phát triển du lịch Thủ đô, xây dựng sản phẩm sẽ gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours đề xuất: “Hà Nội đã tập trung phát triển phân khúc cao cấp, nhưng số lượng khu nghỉ dưỡng và khách sạn vẫn thiếu, đặc biệt vào mùa cao điểm, khiến giá cả tăng cao, khó thu hút du khách. Do đó, đầu tư mạnh vào hạ tầng lưu trú là cần thiết. Đồng thời, phát triển các cơ sở quy mô lớn để nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, hoạt động giải trí về đêm cần được nâng cấp. Các tuyến phố đi bộ như Hồ Gươm còn đơn giản, thiếu dịch vụ giải trí chất lượng cao để tăng sức hấp dẫn và chi tiêu của du khách”, ông Hoan nhấn mạnh.
Về du lịch MICE, ông Hoan cho rằng, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình lớn, nhưng không gian tổ chức hiện còn hạn chế, gây khó khăn trong mở rộng quy mô và kết nối giao thông. Ngành công nghiệp văn hóa, giải trí cần được quy hoạch bài bản, dài hạn để tạo điều kiện cho các sự kiện âm nhạc, thể thao, giải trí thường niên, giúp du khách dễ dàng lên kế hoạch tham gia. “Những cải tiến này sẽ giúp Hà Nội tăng sức hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú và đưa du lịch Thủ đô lên tầm cao mới”, CEO Flamingo Redtours nhấn mạnh.
CẦN THÊM NHIỀU TRẢI NGHIỆM MỚI
Theo ông Trần Hữu Bình, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, việc xây dựng sản phẩm du lịch Hà Nội, xây dựng điểm đến du lịch Hà Nội để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế cần phải tập trung xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới không thể không gắn liền với các giá trị văn hoá trải nghiệm, gắn liền với du lịch giải trí đêm trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống.
Hiện nay, Hà Nội đã có gần 20 sản phẩm du lịch đêm. Nhiều tour có sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, được các hãng lữ hành đưa vào chương trình khai thác. Điển hình như: Tour Du lịch Đêm Thiêng liêng của di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"; tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài (Bảo tàng văn học)... Nhiều tour thường xuyên hết vé sớm, tạo được ấn tượng sâu đậm đối với khách du lịch.
"Vậy chúng ta tiếp tục cần xây dựng các sản phẩm mang nhiều trải nghiệm mới cho du khách gắn liền với các các giá trị văn hoá, di sản, di tích, làng nghề cổ, du lịch ẩm thực; du lịch MICE; du lịch chăm sóc sức khỏe", ông Trần Hữu Bình nhấn mạnh. Ngoài ra, cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang Web, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok,…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn.
"Chỉ trên cơ sở xác định được sự khác biệt, lợi thế rõ nét tạo nên năng lực cạnh tranh của điểm đến về tài nguyên du lịch, từ đó có cơ chế quảng bá xúc tiến để thu hút một các đồng bộ, mạnh mẽ và có được sự phối hợp của cộng đồng dân cư, liên tục tạo ra những sản phẩm mới, thì Thủ đô mới có dấu ấn đặc sắc để phục vụ du khách nhiều hơn nữa trong thời gian tới", Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nói.
Sắp tới Sở Du lịch cũng sẽ chủ động đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ quốc tế như: Hội chợ xúc tiến du lịch JATA tại Nhật Bản, Hội chợ Du lịch quốc tế KOTFA tại H àn Quốc, Hội chợ du lịch WTA tại Anh, Hội chợ du lịch TOPRESA tại Pháp… Phối hợp với các hãng hàng không tổ chức đón đoàn FAM Ấn Độ, tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội (Roadshow) tại các quốc gia Hồi giao Hala, Đông Âu và kết hợp trong các dịp tham gia Hội chợ du lịch quốc tế hoặc các chương trình quảng bá của Thành phố …
"Sở Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế từ đầu năm, theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao", bà Đặng Hương Giang chia sẻ.