July 22, 2021 | 06:00 GMT+7

Du lịch nông thôn: cần một quy hoạch tổng thể!

Chu Khôi -

Phát triển du lịch nông thôn phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”...

Du lịch nông thôn quy mô còn nhỏ lẻ.
Du lịch nông thôn quy mô còn nhỏ lẻ.

Tại hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận định du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là tự phát với quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. 

DU LỊCH NÔNG THÔN CHỦ YẾU VẪN TỰ PHÁT, QUY MÔ NHỎ

Theo ông Tiến, các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang tập trung vào các nhóm về sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn; sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao; nhóm sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

 
Thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch nông thôn chỉ chiếm từ 5 - 10% trong ngành du lịch, trong đó 2/3 là lao động gián tiếp.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ. Thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản...) còn yếu kém, vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn thiếu. Đồng thời, nguồn nhân lực phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là nông dân vừa canh tác nông nghiệp, vừa làm du lịch.

Du lịch nông thôn được đánh giá là vùng tiềm năng còn bỏ ngỏ của ngành du lịch và đây cũng là cơ hội để nhiều làng quê phát triển đời sống thông qua việc làm du lịch ngay tại địa phương mình, song hiện nay hình thức này vẫn chỉ chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia.

Vì thế, theo ông Tiến, muốn phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN" 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Đề án nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.

Mục tiêu cụ thể của đề án này là đến năm 2025 sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn để có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

“Du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Lâm Đồng có các điểm du lịch đã cho thu nhập gấp từ 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần nên mục tiêu đặt ra của đề án gấp hai lần là còn thấp. Đề án cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn”, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận xét.

 
"Du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Lâm Đồng có các điểm du lịch đã có thu nhập gấp từ 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần nên mục tiêu đặt ra của đề án gấp 2 lần còn thấp. Đề án cũng cần làm rõ việc có hay không lưu trú trong du lịch nông thôn".
TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng việc quản lý du lịch phải thuộc cấp huyện trở lên và nếu phát triển du lịch nông thôn thì cấp quản lý cần mở rộng. Do đó, cần xác định là làm du lịch trong nông thôn chứ không phải nông thôn làm du lịch để tránh những tác động sau này. Cùng với đó là có sự chuyển đổi số trong du lịch nông thôn.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh: để du lịch nông thôn ngày càng phát triển, hấp dẫn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các tỉnh thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, ông Sứ cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo Tổng cục Du lịch hỗ trợ tỉnh Hòa Bình về công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, trong đó có du lịch cộng đồng rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn, đặc biệt là Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở các địa phương.

“Để tránh việc lợi dụng du lịch nông thôn để chuyển mục đích sử dụng đất hay phát triển không đúng mục đích, cần tăng cường công tác quản lý. Do vậy cần quan tâm xây dựng các chính sách cho phát triển du lịch nông thôn. Thực tế mới chỉ có một số địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách riêng về vấn đề này. Quan trọng hơn, đó là cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch cho du lịch nông thôn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate