Quảng Ninh vừa phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công cuộc thi ABU Robocon 2024. Với cảnh quan, thiên nhiên tuyệt đẹp, Quảng Ninh đã nhiều lần được lựa chọn để tổ chức những sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế.
ABU ROBOCON 2024 - LAN TOẢ DU LỊCH QUẢNG NINH
Nhìn chung công tác chuẩn bị cũng như cách thức hoạt động trải nghiệm bên lề cuộc thi ABU Robocon 2024 thêm một lần nữa khẳng định năng lực của tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế của Quảng Ninh.
13 đội tuyển tham dự ABU Robocon 2024 (Việt Nam có 2 đội) với tổng số trên 300 tuyển thủ cùng các khách mời, các phóng viên đến từ 12 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Hong Kong (Trung Quốc) Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Mông Cổ, Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Nepal đã tạo nên không khí sôi động, với những trận đấu đầy kịch tính tại Quảng Ninh.
Tuy đội Việt Nam 1 chỉ giành ngôi Á quân và chức vô địch thuộc về đội Hong Kong (Trung Quốc) nhưng giải đấu là một sự kiện ấn tượng giúp Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách trong năm 2024.
Cũng trong dịp này, Quảng Ninh cùng với 7 tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương đã chính thức được định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ( theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
ẤN TƯỢNG CON NGƯỜI QUẢN NINH
Bên cạnh những cảm xúc về cuộc thi, các thành viên tham gia cuộc thi đều rất ấn tượng với đồ ăn và khung cảnh tuyệt đẹp của Quảng Ninh. Ryoma Ishihara (Đội tuyển Nhật Bản) hào hứng cho biết: Mọi thứ đều rất chuyên nghiệp và chúng tôi được hỗ trợ tối đa kể từ khi đặt chân đến Việt Nam. Từ phòng khách sạn, mỗi buổi sáng ai cũng thấy nhẹ nhàng sảng khoái khi được ngắm nhìn mặt biển xanh và những dãy núi đá kỳ ảo trong sương sớm…
Các đội dự thi còn được tham quan Bảo tàng tỉnh, chợ cá Hạ Long và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc được biểu diễn trong khuôn khổ của cuộc thi đã giúp các đại biểu, thí sinh hiểu hơn về văn hóa, cũng như truyền thống của các dân tộc trên địa bàn Quảng Ninh.
Tuvshintugs Sereenedori (Đội tuyển Mông Cổ) cho biết: Đất nước của chúng tôi mặc dù có diện tích lớn thứ 19 trên thế giới, nhưng lại không giáp biển, vì thế khi đặt chân đến Hạ Long, chúng tôi thật sự rất thích thú với những bãi biển cát trắng và những hàng dừa trải dài ở đây. Một điều thú vị nữa là Mông Cổ dù là đất nước xuất khẩu than nhưng chưa có một bảo tàng trưng bày về hoạt động khai thác than như ở Quảng Ninh…
Các điểm đến như vịnh Bái Tử Long, quần đảo Vân Đồn, Cô Tô, Khu di tích danh thắng Yên Tử, di tích đang chờ UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại… đều được các khách mời, các đội tham gia cuộc thi yêu thích và quan tâm.
Chỉ mấy ngày ở Quảng Ninh, nhưng vẻ đẹp của Hạ Long, Vân Đồn… cùng những hình ảnh về cuộc sống con người của thành phố biển là một trải nghiệm không thể quên được với thành viên tham gia cuộc thi.
VÂN ĐỒN - DU LỊCH KHÔNG RÁC THẢI NHỰA
Vân Đồn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh nhưng lại sở hữu nhiều điểm đến tuyệt vời mang vẻ đẹp của biển, của núi với các hang động kỳ bí hoang sơ. Ở đây có nhiều bãi tắm tuyệt đẹp. Trước cuộc thi ABU Robocon 2024 nhiều tháng, Vân Đồn đã khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn nhằm ngăn chặn rác thải nhựa ngay từ trên bờ, không để rác theo người dân, du khách ra đảo.
Địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, cảng Cái Rồng và 5 xã đảo khẩn trương lắp đặt đồng bộ các pano, áp phích với chủ đề “Không mang rác thải nhựa ra đảo” để hướng đến du lịch bền vững, không rác thải nhựa.
Theo thống kê của huyện, mỗi tháng, trên địa bàn huyện có khoảng 800-900 tấn vỏ hàu sau khi tách ruột để đóng gói, chế biến, cần phải xử lý. Huyện đã hướng dẫn người dân tận dụng vỏ hàu đề tái chế nuôi trồng thủy sản, làm phân bón…
Đến nay, khoảng 40% lượng vỏ hàu được tái chế thành vật bám, tiếp tục được thả xuống biển để phục vụ cho sản xuất giống hàu; 50% được thu gom tái chế thành phân bón và thức ăn chăn nuôi; 10% còn lại là rác thải được xử lý theo quy trình xử lý chất thải rắn.Người dân ở thị trấn và các xã tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh thu gom rác ở bãi biển…
Huyện còn chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch rà soát, kiểm tra để thay thế kịp thời các trang thiết bị đã xuống cấp; bố trí đầy đủ các thiết bị chứa, thu gom rác thải phát sinh từ hoạt động tắm biển, du lịch.
Các chương trình "Hãy làm sạch biển" được tổ chức thường xuyên, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân trong công tác bảo vệ môi trường biển...