July 02, 2024 | 08:56 GMT+7

Du lịch Việt trông chờ gì vào “sao Michelin”?

Tường Bách -

Đà Nẵng là thành phố tiếp theo được thêm vào danh mục điểm đến ẩm thực của Michelin Guide. Đây là thành phố thứ ba của Việt Nam được đội ngũ thẩm định viên của Michelin đánh giá, sau Hà Nội và TP.HCM vào năm 2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tương tự như những điểm đến trước đây, Michelin Guide đánh giá các nhà hàng tại Đà Nẵng theo phương pháp đánh giá được áp dụng thống nhất trên toàn thế giới: Chất lượng của nguyên liệu được sử dụng; Tài nghệ nấu ăn; Sự hài hòa hương vị; Cá tính của đầu bếp được thể hiện qua món ăn; Sự nhất quán của món ăn theo thời gian và trên toàn thực đơn.

LỜI KHẲNG ĐỊNH CHO ẨM THỰC VIỆT

Tại Mỹ, người sành ăn coi cuốn cẩm nang này như bảo chứng ẩm thực. Muốn ăn ở những nhà hàng gắn sao Michelin, thực khách phải đặt chỗ trước vài tháng. Vì thế, các chuyên gia cho rằng Michelin Guide sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi của ngành ẩm thực tại Việt Nam, khi những nhà hàng, quán ăn có thể hướng đến một chuẩn mực quốc tế, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng để vươn tầm thế giới.

Trao đổi bên lề buổi lễ trao tặng sao Michelin tối 27/6 tại TP.HCM vừa qua, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, sự công nhận của Michelin Guide sẽ là động lực cho các nhà hàng vươn lên, khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần cho chất lượng của sản phẩm du lịch ẩm thực ngày càng tốt hơn. Michelin sẽ xây dựng lộ trình cho các nhà hàng ở Việt Nam để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế.

Năm nay là lần đầu Michelin mở rộng phạm vi đến Đà Nẵng.
Năm nay là lần đầu Michelin mở rộng phạm vi đến Đà Nẵng.

Sau năm đầu tiên với 55 nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM được vào danh sách cẩm nang Michelin, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá: "Mức độ truyền thông quốc tế quan tâm về ẩm thực của Việt Nam nói chung và ẩm thực ngày càng rộng khắp nơi và đạt hiệu quả". Theo đó, các nhà hàng cũng đã có nhiều nỗ lực duy trì chất lượng món ăn, chất dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt nhất và tiếp tục được đưa vào danh sách trong năm nay.

Là người đạt giải thưởng chuyên gia nếm rượu của lần thứ hai công bố các hạng mục giải thưởng Michelin, đầu bếp Nguyễn Hữu Toàn nhà hàng Le Maison 1888 (nhà hàng được gắn sao một sao Michelin tại Đà Nẵng) chia sẻ: "Sự nỗ lực trong thời gian dài của đội ngũ nhà hàng đã được công nhận. Mọi người rất vui và hãnh diện, đồng thời áp lực cũng sẽ nhận lên rất nhiều vì du khách sẽ biết đến nhiều hơn. Khi khách có yêu cầu cao hơn đòi hỏi tất cả nhân viên phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng nhà hàng đạt chuẩn một sao Michelin".

Có thể nói, sao Michelin khẳng định nền ẩm thực Việt Nam đủ điều kiện đạt chứng nhận quốc tế, nhưng danh hiệu này chắc chắn cũng tạo ra những áp lực, bởi duy trì sao Michelin cũng khó như khi đạt sao vậy. Điều hành nhà hàng một sao Michelin Hibana by Koki, Bếp trưởng Yamaguchi Hiroshi bày tỏ rằng, làm sao có thể duy trì được chất lượng dịch vụ cũng như đồ ăn như trước thời điểm có sao Michelin là điều ông tập trung nhiều nhất. “Rất nhiều thử thách phía trước đang chờ chúng tôi để Koki có bước tiến tiếp theo”, ông nói.

Nhà hàng Le Maison 1888 - nhà hàng được gắn sao một sao Michelin tại Đà Nẵng.
Nhà hàng Le Maison 1888 - nhà hàng được gắn sao một sao Michelin tại Đà Nẵng.

ĐIỂM NHẤN THU HÚT DU KHÁCH HẠNG SANG

Tại Anan Saigon, lượng thực khách tăng 20% sau một năm được Michelin xướng tên hồi tháng 6/2023. Nhà hàng một sao Michelin này cũng thay đổi và tăng giá một số món trong menu, duy trì sức hút với chả giò gan ngỗng, bánh nhúng cá trứng muối và cao lầu Hội An. Đầu bếp Peter Cường Franklin, chủ Anan Saigon, thừa nhận hiệu ứng từ Michelin giúp nhà hàng được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn.

Bếp trưởng Yamaguchi Hiroshi cũng cho biết, sau khi nhà hàng được Michelin vinh danh một sao Michelin, lượng khách quốc tế đến đây đã tăng lên đáng kể trong khoảng 6 tháng. Nhiều du khách đặt bàn trước vài tháng đến nửa năm. "Công bố của Michelin luôn có thể gây ra một số tranh cãi, nhưng nhìn vào bức tranh toàn cảnh và dài hạn, đây là bước đầu tiên, rất quan trọng trong việc biến nước ta thành điểm đến lý tưởng để trải nghiệm ẩm thực cho du khách, đặc biệt là những người sành ăn", đầu bếp Peter Cường chia sẻ.

Singapore hiện dẫn đầu Đông Nam Á với 51 nhà hàng được gắn sao Michelin, tiếp theo là Thái Lan với 35, Malaysia với 5 và Việt Nam hiện đã có 7 nhà hàng. Tiến sĩ Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, cho rằng những danh sách và giải thưởng uy tín được công bố bởi Michelin, TimeOut hay Asia's 50 Best Restaurants (50 Nhà hàng tốt nhất châu Á) rất quan trọng vì chúng giúp ẩm thực Việt nổi tiếng trên toàn thế giới và thu hút thêm nhiều du khách có mức chi tiêu cao.

Vị giảng viên RMIT kêu gọi quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các món ăn đặc trưng như biểu tượng du lịch ẩm thực quốc gia. “Hướng tới đưa nghệ thuật ẩm thực Việt vào danh sách công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO có thể nâng cao đáng kể danh tiếng ẩm thực của đất nước. Những sáng kiến như nỗ lực để công nhận phở là món ăn di sản thế giới là một minh chứng cho cách tiếp cận này”, bà nói. “Về lâu dài, chúng ta có thể thành lập Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam để có một nơi trưng bày cố định di sản ẩm thực phong phú của đất nước, vừa là nguồn tài nguyên giáo dục vừa là điểm thu hút khách du lịch”.

Tại nhà hàng Anan Saigon, lượng thực khách tăng 20% sau một năm được Michelin xướng tên.
Tại nhà hàng Anan Saigon, lượng thực khách tăng 20% sau một năm được Michelin xướng tên.

Không chỉ ảnh hưởng đến các nhà hàng cao cấp, Michelin Guide còn hướng sự chú ý của du khách và người tiêu dùng tới ẩm thực đường phố Việt Nam. Từ hàng quán vỉa hè đến những tiệm ăn nhỏ bắt đầu nhận được sự công nhận từ khách quốc tế nhờ Michelin Guide. Điều đó góp phần thúc đẩy bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống của ẩm thực đường phố.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết đánh giá đây là cột mốc cho sự phát triển của ẩm thực Việt. “Đây cũng đồng thời là một đòn bẩy, để ngành du lịch ẩm thực Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn nữa dòng khách cao cấp và cả những người đam mê ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới”, bà Ánh Tuyết khẳng định.

Siêu đầu bếp Lê Nguyễn Hoàn Long, Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam, giải thích: “Tận dụng những danh hiệu quốc tế thông qua marketing và PR có thể thu hút đối tượng thực khách rộng lớn hơn. Đồng thời, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua những thực đơn độc đáo, đặc sắc và sự hợp tác giữa các đầu bếp là rất quan trọng để đạt được thành công bền vững”.

Trong khi đó, một trong 7 giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024 được Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đó là phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng nhất là sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Ẩm thực Việt hoàn toàn có thể làm được điều đó.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate