Theo một khảo sát gần đây của Trip Advisor, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách chấp nhận mức giá cao hơn cho những công ty mang lợi ích tới cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.
Tại Việt Nam, báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com cũng cho thấy có tới 75% du khách Việt cảm thấy được khích lệ hơn trong việc thực hành sống xanh mỗi ngày sau khi chứng kiến các hoạt động du lịch bền vững. 94% trong số họ mong muốn các chuyến du lịch của mình sẽ thân thiện với môi trường và văn hóa bản địa hơn.
Từ những làng chài ven biển yên bình đến những hòn đảo hay thị trấn, Việt Nam có số số các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cồng đồng phù hợp với từng nhóm du khách, giúp họ hòa mình vào nền văn hóa đa dạng. Điển hình, từ đầu năm đến nay, làng chài Vung Viêng trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đón hàng vạn lượt du khách tham quan; trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Trước năm 2014, ngôi làng nổi này là nơi sinh sống, mưu sinh của 30 hộ dân và hơn 300 ngư dân qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, tại làng chài Vung Viêng còn khoảng 30 căn nhà nổi nhưng không còn ngư dân sinh sống. Tuy vậy, vào ban ngày họ vẫn đến đây đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ để vừa tạo kế sinh nhai, vừa trình diễn phục vụ du khách. Tuy vậy, việc chèo thuyền kayak, hay ngồi đò chèo tay ngắm những làng chài giữa lòng di sản thế giới hiện chỉ mới khiến du khách "đã mắt" nhưng chưa thấy "đã tay" vì chưa có các hoạt động khác để níu chân khách ở lại lâu hơn như tắm biển, câu mực, đánh cá cùng ngư dân hay thưởng thức những món ăn đậm bản sắc dân chài.
Tương tự, với hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú cùng nhịp sống gần như nguyên bản của làng chài cổ, Việt Hải đang nổi lên như một điểm du lịch cộng đồng lý tưởng của huyện đảo Cát Bà mùa thấp điểm. Để đến được xã Việt Hải, hiện tại du khách có hai cách di chuyển. Một là đi bộ 10 km và mất khoảng 6 - 7 giờ vượt qua lõi rừng nguyên sinh Khu bảo tồn Vườn quốc gia Cát Bà. Hai là đi tàu hoặc ca-nô từ bến Bèo xuyên Vịnh Lan Hạ trong 30 phút ra đảo. Cả hai cách di chuyển trên đều mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khác biệt.
Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Việt Hải Nguyễn Phi Hùng, làng Việt Hải được hình thành từ khoảng trên dưới 150 năm. Làng có diện tích 141ha, là nơi sinh sống của 90 hộ dân với nghề chính là làm nông và đánh bắt thủy hải sản. Nhờ sở hữu hệ sinh thái phong phú với địa hình đa dạng gồm núi, rừng, biển và đảo nhỏ bao quanh nên Việt Hải còn được biết tới như môi trường “đảo trong đảo”. Từ tháng 10 đến tháng 4, hình ảnh phỏ biển ở đây là các du khách quốc tế nhẩn nha đạp xe, đi dạo quanh làng, chèo thuyền, bắt cá hay trekking lên ngọn đồi Hải Quân cao 700m so với mực nước biển...
Tổng quản lý Khu du lịch sinh thái Việt Hải (xóm 1, xã Việt Hải) Đỗ Anh Đức cho biết, hiện làng có chưa tới 10 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, và chỉ nửa trong số đó có dịch vụ lưu trú. Các hộ khác chỉ tham gia kinh doanh một số loại dịch vụ bán trú như cho thuê xe đạp, ăn uống nhanh, café… để phục vụ du khách ban ngày. Tuy nhiên, đây cũng là những khoản dịch vụ mang lại thu nhập thụ động của người dân làng chài Việt Hải bên cạnh nông ngư nghiệp.
Tương tự, với 125 km đường bờ biển, tỉnh Quảng Nam có gần 20 làng chài với văn hóa vạn chài đậm đà, đặc trưng. Những năm qua, một số làng chài xứ Quảng như Tân Thành, Cửa Khe, Tam Thanh, Tam Tiến... đã và đang xây dựng các loại hình, sản phẩm kết hợp bản sắc làng chài với môi trường biển đảo, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút đông du khách, mang đến lợi ích cho cư dân bản địa. Trong đó, khoảng 3 năm trở lại đây, làng chài Cửa Khe (huyện Thăng Bình) là điểm đến hấp dẫn của những du khách yêu thích du lịch cộng đồng.
Làng Cửa Khe chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 20 phút di chuyển. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển, từ đi thuyền thúng, đánh lưới, đặt lờ, kéo rùng, hát bả trạo. Cửa Khe còn có nghề truyền thống lâu đời làm nước mắm, 1 trong 67 tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tận dụng lợi thế này, một số gia đình ngư dân trong làng đã mạnh dạn đầu tư, mở homestay đón khách lưu trú và tổ chức các tour tham quan xưởng mắm, lớp học làm nước mắm, đi chợ cá buổi bình minh...
Cũng ghi được dấu ấn mạnh mẽ là làng chài Tân Thành (thành phố Hội An), với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 4 sao. Theo Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành Lê Quốc Việt, việc phát triển sản phẩm du lịch nơi đây chú trọng đến cộng đồng và dân cư bản địa, không có khoảng cách giữa người bản địa và khách du lịch. Nhờ vậy, dù trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng dịch vụ du lịch tại đây vẫn được gắn kết, phát triển.
Tại Khánh Hòa, thời gian gần đây, nhiều hình ảnh đẹp giới thiệu về làng chài Ninh Vân được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan. Hiện nơi đây đã được đầu tư nhà nghỉ, homestay để phục vụ du khách, giá dao động 200.000 - 600.000 đồng. Bên cạnh đó, người dân còn cung cấp các dịch vụ thuê lều trại camping, trải nghiệm đi thuyền ra biển đánh lưới, câu cá... Ngoài ra, mọi người có thể ghé vào các khu chợ địa phương để khám phá văn hóa của bà con làng chài; hoặc đi bắt ốc, nhum, bạch tuộc vào buổi tối khi nước rút cũng là một trải nghiệm thú vị.
Có thể nói, phát triển du lịch xanh đang được coi là một trong những giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Đồng hành cùng nhiều ngành kinh tế khác, du lịch đang dần trở thành ngành mang lại lợi ích kinh tế to lớn không những cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là vùng rừng núi xa xôi hay hải đảo.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, hành trình tiến tới du lịch xanh đúng bản chất thật sự còn rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua mọi yếu tố văn hóa, môi trường, tạo ra cái nhìn méo mó về du lịch bền vững. “Thực tế, trong công tác tổ chức hoạt động du lịch xanh, sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương còn chưa thực sự thường xuyên,"ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ.
"Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về tài chính trong các chương trình, hoạt động triển khai du lịch xanh”. Vì vậy, để du lịch xanh được duy trì và phát huy, cần sự vào cuộc của các bên, đặc biệt là vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước".