Thành phố Huế được biết đến là nơi lưu giữ hệ thống di tích triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam – với Kinh thành Huế, các lăng tẩm, đền đài và hơn 700 công trình kiến trúc cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Không chỉ vậy, Huế còn nổi tiếng với nghệ thuật Nhã nhạc cung đình, ẩm thực cung đình, các lễ hội truyền thống và hệ thống nhà vườn đặc trưng ven sông Hương.
Đây chính là nền tảng quan trọng để Huế phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, thu hút khách quốc tế yêu thích khám phá chiều sâu lịch sử, trải nghiệm lối sống truyền thống và tìm kiếm các hình thức du lịch thân thiện với môi trường.
CẢNH QUAN SINH THÁI – YẾU TỐ THÚC ĐẨY DU LỊCH XANH
Bên cạnh giá trị văn hóa – lịch sử, Huế còn sở hữu hệ sinh thái đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như núi Ngự Bình, sông Hương, rừng ngập mặn Rú Chá, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đã được phát triển, như tuyến du lịch “Xanh về lăng Gia Long” hay trải nghiệm đạp xe ven sông, chèo sup trên phá Tam Giang, khám phá rừng ngập mặn.
Các tour này không chỉ mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên cho du khách, mà còn giúp bảo tồn cảnh quan sinh thái, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Với mục tiêu trở thành “Thành phố du lịch không phát thải carbon” vào năm 2030, Huế đã triển khai nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giao thông và năng lượng.
Với mục tiêu trở thành “Thành phố du lịch không phát thải carbon” vào năm 2030, Huế đã triển khai nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giao thông và năng lượng. Thành phố đẩy mạnh sử dụng xe đạp, xe điện trong nội đô; mở rộng các tuyến phố đi bộ; xây dựng đường dạo ven sông Hương thân thiện môi trường.
Một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch xanh tại Huế là sự tham gia ngày càng tích cực của cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhà vườn sinh thái, homestay truyền thống đã xuất hiện tại các làng cổ như Kim Long, Thủy Biều, Phước Tích. Người dân vừa là chủ thể bảo tồn giá trị văn hóa, vừa là người trực tiếp cung cấp dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Ngoài ra, các tour trải nghiệm như làm gốm tại Phước Tích, trồng rau thủy canh, chế biến món ăn truyền thống hay tham gia lễ hội cổ truyền giúp du khách có cái nhìn sâu sắc về văn hóa Huế, đồng thời tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa khách du lịch và người dân địa phương.

Ông Andreas, du khách đến từ Đức, sau khi tham quan vùng sinh thái Thủy Biều cảm nhận: “Huế đẹp vì Huế xanh và giữ được những giá trị vốn có. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành du lịch và người dân đã làm nên điều tuyệt vời ấy”.
Tại Thủy Biều, ông được mời thưởng thức trái thanh trà trong khu vườn râm mát, thư giãn bằng ngâm chân thảo dược, sử dụng nước đóng chai thủy tinh thay cho nhựa dùng một lần. Những hành động nhỏ, tinh tế, nhưng thể hiện rõ triết lý du lịch xanh đang lan tỏa từ cộng đồng dân cư đến du khách quốc tế.
ĐỊNH HÌNH ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH XANH, THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường du lịch, từ năm 2023, Huế đã triển khai kế hoạch “Nói không với rác thải nhựa” trong ngành du lịch. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú được khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút giấy, chai thủy tinh, túi vải…
Cùng với đó, chính quyền đã lắp đặt hệ thống thùng rác phân loại tại các điểm du lịch, tổ chức các hoạt động làm sạch di tích, bờ sông và khu vực đông khách.
Số liệu quý I/2025 cho thấy du lịch Huế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, không chỉ về lượng khách mà cả chất lượng dịch vụ và sự lan tỏa của mô hình du lịch bền vững. Tỷ lệ khách quốc tế tăng gần 50% cho thấy Huế đang bắt nhịp tốt với xu hướng toàn cầu hóa du lịch xanh.
Thông qua các chiến dịch truyền thông cộng đồng và giáo dục môi trường, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về du lịch bền vững từng bước được nâng cao.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch Huetourist, chia sẻ: “Khách du lịch rất quan tâm yếu tố môi trường. Khi hiểu được cách làm du lịch xanh của Huế, họ sẵn sàng ủng hộ và tham gia”.
Từ việc sử dụng xe điện, xe đạp công cộng, đến tổ chức tour đi chợ không dùng túi ni-lông, các đơn vị lữ hành Huế đang đưa thông điệp xanh vào từng hành trình. Tại các điểm lưu trú như Lương Quán – Nguyệt Biều, nước uống đóng chai nhựa, đồ nhựa một lần đã được thay thế hoàn toàn bằng các vật dụng thân thiện với môi trường.
Nhờ những nỗ lực trên, chỉ trong quý I/2025, Huế đón gần 1,5 triệu lượt khách, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, có hơn 666 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gần 50%. Lượng khách liên tục tăng trưởng qua thời gian cho thấy sức hút bền vững của Huế – thành phố không chỉ giàu bản sắc văn hóa mà còn đang định hình là điểm đến du lịch xanh, thân thiện với môi trường.
Số liệu quý I/2025 cho thấy du lịch Huế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, không chỉ về lượng khách mà cả chất lượng dịch vụ và sự lan tỏa của mô hình du lịch bền vững. Tỷ lệ khách quốc tế tăng gần 50% cho thấy Huế đang bắt nhịp tốt với xu hướng toàn cầu hóa du lịch xanh.