Con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khi các số liệu mới nhất cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất, dù chi tiêu cho kỳ nghỉ tăng lên và thị trường nhà ở tiếp tục khởi sắc trở lại.
"Các chỉ số trong PMI trái chiều cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc hậu Covid đã phần nào mất động lực và cần thiết phải có thêm nhiều hỗ trợ chính sách".
Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International Holdings Ltd.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được công bố ngày 30/4 của Trung Quốc cho thấy sự suy giảm bất ngờ trong hoạt động sản xuất tháng 4 của nước này, chủ yếu do nhu cầu với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm. Dù vậy, người tiêu dùng nước này vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay cho mua sắm và du lịch.
Theo các nhà phân tích, dữ liệu mới nhất cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa ổn định khi hoạt động sản xuất phục hồi chậm so với chi tiêu tiêu dùng. Điều này càng củng cố quan điểm thận trọng về tăng trưởng kinh tế của các nhà lãnh đạo nước này trong cuộc họp hôm thứ Sáu và sự cần thiết của việc tung ra thêm các chính sách kích thích tăng trưởng.
“Các chỉ số trong PMI trái chiều cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc hậu Covid đã phần nào mất động lực và cần thiết phải có thêm nhiều hỗ trợ chính sách”, ông Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International Holdings Ltd. nhận xét.
Trong cuộc họp hôm thứ Sáu, Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc - giữ nguyên lập trường về chính sách kinh tế, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng nhu cầu yếu.
Theo nhận xét của các nhà phân tích Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics, sự bất ngờ trong khảo sát PMI tháng 4 của Trung Quốc - với hoạt động sản xuất thu hẹp - làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh cũng như độ bền của hành trình phục hồi kinh tế.
“Lĩnh vực sản xuất then chốt thu hẹp bất chấp chi tiêu lớn của chính phủ cũng như nhu cầu lớn trong các ngành sản xuất. Sự phục hồi quá mong manh nên khó bền vững được và đang đối mặt với rủi ro mất động lực. Triển vọng đáng lo ngại này càng cho thấy sự cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ”, hai nhà phân tích chỉ ra.
Trong tháng 4, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống còn 49,2 điểm, từ mức 51,9 điểm của tháng 3. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái chỉ số này ở mức dưới 50 điểm và là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm. Các chỉ số phụ về đơn hàng mới, đơn hàng xuất khẩu mới và việc làm ngành sản xuất đều ở dưới 50 điểm.
Trong khi đó, chỉ số hoạt động phi sản xuất trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng giảm xuống còn 56,4 điểm, từ mức 58,2 điểm của tháng 3. Dù giảm nhưng điều này cho thấy các ngành này vẫn đang phục hồi nhờ chi tiêu của người tiêu dùng cũng như của Chính phủ tăng lên.
Số liệu về chi tiêu cho kỳ nghỉ vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ ngày Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu của người dân Trung Quốc. Ngày thứ Bảy (29/4) ghi nhận khoảng 19,7 triệu chuyến tàu đường sắt trên khắp Trung Quốc - mức cao kỷ lục trong một ngày từ trước tới nay, theo tờ báo địa phương The Paper. Lưu lượng giao thông cũng được dự báo sẽ tăng 20% so với năm 2019, thời điểm trước khi dại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc được đài truyền hình nhà nước CCTV trích dẫn, doanh số bán lẻ và dịch vụ ăn uống cũng tăng 21% trong ngày 29/4 so với cùng thời điểm một năm trước.
Còn theo thống kê của China Real Estate Information Corp, thị trường nhà ở của Trung Quốc cũng tiếp tục phục hồi từ các mức yếu một năm trước. Doanh số nhà mới của 100 công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tháng 4 đã tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, mức tăng là 29,2%.
Trong quý 1/2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một năm trở lại đây. Các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong quý 2. Một số ngân hàng lớn đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm của nước này lên khoảng 6% hoặc hơn, vượt qua mức mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% của Chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế trái chiều trong tháng 4 vừa công bố có thể khiến các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn.
“Những tín hiệu trái chiều này có thể sẽ tiếp tục gây áp lực với Chính phủ để tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong quý 2”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd. nhận định.