April 26, 2023 | 13:12 GMT+7

Vấn đề lớn của nền kinh tế Trung Quốc: Lạm phát quá thấp

Ngọc Trang -

Trong khi phần lớn thế giới đang chật vật chống lại đà tăng giá cả, Trung Quốc được cho là đang đối mặt vấn đề ngược lại...

Khách hàng mua rau tại một siêu thị vào tháng 7/2022 ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Khách hàng mua rau tại một siêu thị vào tháng 7/2022 ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá tại cổng nhà máy giảm 6 tháng liên tiếp. Trong khi đó, ở Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng tháng 3 vẫn ở mức 5% dù đã giảm mạnh. Con số này ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh lần lượt là 8,3% và 10,1%.

"QUÁ TRÌNH GIẢM PHÁT ĐÃ BẮT ĐẦU"

Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc đang ngừng tăng hoặc giảm xuống bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như bất chấp việc nước này đã gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid vào cuối năm ngoái.

Những bất ổn của nền kinh tế khiến các hộ gia đình nước này tiếp tục cất giữ tiền vào các sổ tiết kiệm thay vì chi tiêu. Còn các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng khi thực hiện các khoản đầu tư mới. Tất cả những điều này làm dấy lên nỗi lo về vòng xoáy giá cả - tiền lương (hiện tượng tăng giá do mức lương tăng lên và ngược lại) và khiến nền kinh tế càng khó phục hồi.

“Chúng tôi cho rằng kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình giảm phát”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục tại ANZ Research, nhận định vào tuần trước, ngay sau khi nước này công bố số liệu tăng trưởng quý 1.

Theo ông Yeung, dù nền kinh tế tăng trưởng 4,5% trong quý đầu năm, con số này chủ yếu phản ánh tác động từ việc nhu cầu tiêu dùng được giải tỏa sau 3 năm kìm nén vì các biện pháp phòng dịch. Nếu loại bỏ yếu tố đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ là khoảng 2,6%.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới đang “ngập” trong tiền. Cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) đã tăng kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua. Trong khi đó, PBOC đang khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn bằng cách tăng thanh khoản thông qua nhiều công cụ chính sách như nghiệp vụ thị trường mở và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc gần như không phản ứng trước những chính sách này. Thay vì tiêu tiền, họ lại tích trữ tiền mặt ở mức kỷ lục. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản vay mới của hệ thống ngân hàng thời gian qua tới tay chính quyền các địa phương để trả nợ.

Sự kết hợp bất thường giữa xu hướng giảm giá cả hàng hóa và cung tiền nhiều chưa từng thấy khiến nhiều người cho rằng quá trình giảm phát tại Trung Quốc đã bắt đầu. Quá trình này được định nghĩa là khi giá cả hàng hóa và dịch vụ nhìn chung giảm trên diện rộng và bền vững trong một khoảng thời gian.

Người tiêu dùng Trung Quốc gần như không phản ứng trước những chính sách kích cầu tín dụng - Ảnh: Getty Images
Người tiêu dùng Trung Quốc gần như không phản ứng trước những chính sách kích cầu tín dụng - Ảnh: Getty Images

Đây là một hiện tượng tiêu cực đối với nền kinh tế, bởi vì trong môi trường như vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngừng chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ giảm hơn nữa. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế. Đây chính là vấn đề khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cảnh trì trệ trong hai thập kỷ và phải tới gần đây các nhà chức trách nước này mới có thể đảo ngược xu hướng.

“Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là ‘giảm phát đã bắt đầu’ và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái”, ông Liu Yuhui, giáo sư Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nói trong một bài phát biểu gần đây. “’Nhịp đập’ của nền kinh tế vẫn còn yếu do giá bất động sản và tài sản tài chính vẫn chưa tăng lên”.

Theo ông Liu, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn đang nợ chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Trong khi đó, chính quyền các địa phương - với tình hình tài chính suy kiệt do khủng hoảng bất động sản và đại dịch - cũng đang hành động như những “xác sống” do những khoản nợ.

“Do vấn đề về tình hình tài chính, các đối tượng của nền kinh tế đều không sẵn sàng dùng tín dụng”, ông Liu nói. “Trung Quốc hiện tại giống như Mỹ của 15 năm trước và giống như Nhật Bản của 30 năm trước”.

KÊU GỌI PHÂN PHÁT TIỀN MẶT

Có quan điểm thận trong hơn, nhưng ông Yu Yongding, cựu giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại CASS, thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực giảm phát.

“Theo tôi, dù nhận định rằng ‘quá trình giảm phát đã bắt đầu’ không thực sự chính xác nhưng cũng không sai. Việc kêu gọi sự chú ý tới giảm phát là điều hoàn toàn đúng dắn”, ông Yu viết trong một bài báo đăng tải trên trang tin Netease tuần trước. “Tổng cầu không đủ là một vấn đề nghiêm trọng mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt”.

Trong khi đó, Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, kêu gọi Bắc Kinh phân phát tiền mặt cho người tiêu dùng để kích cầu. Đây là cách làm của nhiều nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Australia, nhưng hiếm khi được Trung Quốc sử dụng. Ông Liu, từng làm việc trong ủy ban cố vấn của BPOC, kêu gọi Bắc Kinh phân phát 500 tỷ Nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) dưới dạng chi phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong phần còn lại của năm nay.

“Kể cả với những ước tính khiêm tốn nhất, 500 tỷ Nhân dân tệ phiếu tiêu dùng có thể thúc đẩy tiêu dùng chung lên tới 1.000 tỷ Nhân dân tệ”, ông Li nói trong một video đăng tải trên trang mạng xã hội Weibo cá nhân ngày 25/4. “Đổi lại, Chính phủ sẽ thu về ít nhất 300 tỷ Nhân dân tệ tiền thuế từ lượng tiêu dùng tăng lên. Theo đó, Chính phủ chỉ mất 200 tỷ Nhân dân tệ để thúc đẩy 1.000 tỷ Nhân dân tệ tiêu dùng”.

Về phần minh, PBOC bác bỏ những quan điểm về việc nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại của mình.

“Chẳng có cơ sở nào để nói về việc giảm phát hay lạm phát trong dài hạn cả”, ông Zou Lan, một quan chức PBOC nhấn mạnh ở một cuộc họp báo tại Bắc Kinh thứ Năm tuần trước. “Vì các biện pháp hỗ trợ tài chính đang phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng lên và mức tăng giá cả có thể sẽ trở về mức bình quân của các năm trước trong nửa cuối năm nay”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate