Có nhiều thông tin gần đây nói rằng khí đốt Nga đang “đi đường vòng” qua Trung Quốc để chảy vào châu Âu.
“Thị trường khí đốt hoá lỏng (LNG) toàn cầu đang ngày càng hội nhập, và sự dịch chuyển nhu cầu giữa các khu vực có thể giúp cân bằng các thị trường đang bị thắt chặt. Sự chuyển hướng của các dòng chảy mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”, Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng của công ty tư vấn vĩ mô Greenmantle - ông Nicholas Kumleben - nói với DW.
Trước thềm mùa đông, dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt mức khoảng 80% công suất - một tiến độ nhanh hơn kế hoạch đề ra - một phần nhờ những lô LNG mua được từ Trung Quốc, cho dù xuất khẩu khí đốt Nga qua các đường ống dẫn tới châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Trong lúc nhu cầu LNG trong nước chững lại do kinh tế giảm tốc, các công ty dầu khí Trung Quốc đã đẩy mạnh việc bán lại LNG ra thị trường nước ngoài để tranh thủ mức giá cao.
Năm nay, các công ty Trung Quốc đã bán 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế, tương đương khoảng 7% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của EU trong nửa đầu năm. Một bằng chứng mới của xu hướng này đến từ JOVO Group, một công ty môi giới LNG của Trung Quốc. Công ty này cho biết mới bán một lô LNG trị giá 100 triệu USD cho một khách châu Âu.
Hãng lọc hoá dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng cho biết đang bán bớt lượng LNG dư thừa ra thị trường toàn cầu. Truyền thông Trung Quốc cho biết trong năm nay, Sinopec đã bán 45 lô LNG với tổng khối lượng khoảng 3,15 triệu tấn.
“Nếu châu Âu đang mua LNG từ Trung Quốc, thì một phần trong số đó có thể là LNG từ Nga, và có thể được pha trộn”, chuyên gia Anna Mikulska thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng, Đại học Rice, nói với DW. “Tôi không tin là có những quy định về nguồn gốc xuất xứ của khí đốt. Xét cho cùng, đây là câu chuyện về sự chuyển hướng của dòng chảy năng lượng”.
Về bản chất, việc này cũng giống như “lách” các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đã áp lên Nga, cho dù khối này chưa hề trừng phạt xuất khẩu khí đốt của Nga. Thay vào đó, Nga đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và các thị trường LNG trên toàn cầu có sự kết nối chặt chẽ, dẫn tới sự dịch chuyển của dòng chảy khí đốt.
“EU chẳng có thể làm gì khác ngoài việc thôi không mua LNG của Trung Quốc nữa, nhưng như thế thì họ có thể rơi vào cảnh thiếu khí đốt nghiêm trọng trong mùa đông. Bằng cách này, Trung Quốc chứ không phải Nga là đối tượng được hưởng phần lợi nhuận tăng thêm từ việc bán những lô khí hoá lỏng đó”, bà Mikulska nói thêm.
Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Trung Quốc qua đường ống đã tăng khoảng 65% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã chi 35 tỷ USD cho nhập khẩu năng lượng từ Nga, từ mức 20 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái - theo hãng tin Bloomberg.
Vào năm 2014, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký kết một thoả thuận trị giá 400 tỷ USD với thời hạn 30 năm để xây đường ống dẫn khí Power of Siberia và mua bán khí đốt qua đường ông này. Power of Siberia có chiều dài 3.000 km của đoạn nằm trên lãnh thổ Nga và 5.000 km của đoạn nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Đường ống đã bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc tới 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm khi đạt công suất tối đa vào năm 2025.
Kế hoạch năng lượng của Chính phủ Nga bao gồm đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Moscow hiểu rằng Nga cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu năng lượng khi EU tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga.
“Khí đốt Nga bán cho Trung Quốc là giá theo hợp đồng đã ký từ trước. Và theo như tôi hiểu, thoả thuận ký giữa Trung Quốc và Nga về đường ống Power of Siberia 1 có lợi ích nghiêng về phía Trung Quốc, cả về mặt giá cả”, bà Mikulska nhận định trên DW.
“Trung Quốc sẽ phá vỡ thế độc quyền xuất khẩu khí đốt của Gazprom khi họ bán lại khí đốt Nga hoá lỏng. Điện Kremlin sẽ khó lòng cho phép điều này xảy ra, trừ phi họ bị đặt vào một tình thế cực kỳ khó khăn hoặc suy yếu nhiều về mặt chính trị”, ông Albrecht Rothacher, một chuyên gia về khu vực Đông Á, phát biểu.
“Số khí đốt mà châu Âu mua được từ Trung Quốc là nhỏ nếu so với lượng nhập từ Na Uy, Algeria, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Turkmenistan, Azerbaijan, Oman, Israel và có thể cả Iran. Và cuối cùng, Mỹ vẫn sẽ là nguồn cung lớn nhất để giúp bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga”.
Ông Albrecht Rothacher, một chuyên gia về khu vực Đông Á
Giới chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu không thể trông chờ vào các nhà cung cấp khí đốt Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng mà khu vực này đang phải trải qua, xét tới việc lượng khí đốt mà Trung Quốc có thể xuất khẩu sang châu Âu là hạn chế nếu so với những nguồn cung khác, nhất là Nga.
Ngoài ra, khi các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khởi sắc trở lại, tình hình sẽ thay đổi: châu Âu sẽ phải mua khí đốt từ Trung Quốc với mức giá cao hơn.
“Tôi e rằng Trung Quốc chưa thực sự nằm trên màn hình radar của EU về tiềm năng cung cấp LNG”, ông Rothacher nói. “Số khí đốt mà châu Âu mua được từ Trung Quốc là nhỏ nếu so với lượng nhập từ Na Uy, Algeria, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Turkmenistan, Azerbaijan, Oman, Israel và có thể cả Iran. Và cuối cùng, Mỹ vẫn sẽ là nguồn cung lớn nhất để giúp bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga”.
Về phần mình, bà Mikulska tin rằng tình hình hiện nay đã phơi bày vấn đề mà EU cũng như Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần thực sự nghĩ đến, đó là “trong lúc họ tìm cách tăng cường hợp tác, Nga và Trung Quốc có thể bắt tay để gây ảnh hưởng lên thị trường năng lượng toàn cầu tới mức lớn hơn nhiều so với khi hai nước này hành động độc lập”.
“Vấn đề này sẽ không được xử lý cho tới khi châu Âu giải quyết được bài toán nguồn cung năng lượng thay thế. Mục tiêu này sẽ không dễ dàng và sẽ khó đạt được trong mùa đông năm nay”, vị chuyên gia nói. Bà cũng nhận định rằng sẽ không có chuyện Nga năm này qua năm khác gặt hái lợi nhuận cao với lượng xuất khẩu khí đốt ít ỏi, bởi các nước châu Âu sẽ dịch chuyển dần khỏi khí đốt Nga và giá khí đốt sẽ dần xuống thang.
“Ngoài ra, còn có khả năng Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Hai nước này đang bắt tay trong lĩnh vực năng lượng, nhưng mối quan hệ giữa họ là một mối quan hệ phức tạp”, bà Mikulska phát biểu.