September 15, 2022 | 14:05 GMT+7

Châu Âu: Sản lượng nhà máy tụt giảm, kinh tế bên “miệng vực” suy thoái vì thiếu khí đốt Nga

An Huy -

Sản lượng của các nhà máy ở châu Âu đang suy giảm, khi cuộc chiến năng lượng giữa Nga với phương Tây bắt đầu gây tổn thất cho lĩnh vực công nghiệp vốn giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế khu vực...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Dữ liệu do Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 14/9 cho thấy sản lượng của các nhà máy trong khu vực Eurozone đã giảm 2,3% trong tháng 7 so với tháng 6, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3 và phần nào phản ánh sự cắt giảm hoạt động của các ngành sản xuất có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn.

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu, một nguồn năng lượng chủ chốt của các nước trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua, đã liên tục giảm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và phương Tây áp những biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga. Mới đây, Nga đã khoá van vô thời hạn Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ nước này tới châu Âu. Giá khí đốt tăng vọt vì nguồn cung bị siết chặt khiến cho nhiều nhà sản xuất ở châu Âu bắt buộc phải cắt giảm hoạt động vì thu không bù chi.

 

“Đám mây u ám nhất trên đường chân trời rõ ràng đang phủ bóng lên Eurozone”.

Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Marcelo Carvalho của ngân hàng BNP Paribas

Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều dự báo các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu sẽ tăng trưởng âm trong những tháng sắp tới, và mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái này sẽ tuỳ thuộc vào việc mùa đông năm nay ở châu Âu sẽ lạnh tới mức nào, các nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga sẽ đáp ứng nhu cầu của châu Âu được tới mức độ nào, và các chính phủ trong khu vực có thể hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua “bão giá” năng lượng ra sao.

“Đám mây u ám nhất trên đường chân trời rõ ràng đang phủ bóng lên Eurozone”, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Marcelo Carvalho của BNP Paribas nhận định.

Không chỉ các nhà máy ở châu Âu đang phải “chịu trận” vì sự gia tăng chi phí như một hệ quả của chiến tranh. Các hộ gia đình ở khu vực này cũng đang đối mặt với hoá đơn điện và khí đốt tăng chóng mặt.

Dù vậy, giá xăng giảm đã giúp lạm phát dịu đi phần nào. Thống kê công bố ngày 14/9 cho thấy lạm phát ở Anh trong tháng 8 là 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 10,1% trong tháng 7.

Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 14/9 cho thấy kinh tế Eurozone đã tăng tốc trong quý 2 năm nay và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục, đưa khu vực này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trên thế giới trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, còn kinh tế Mỹ và Ấn Độ đều tăng trưởng âm trong cùng khoảng thời gian.

Dù vậy, kinh tế Eurozone được dự báo sẽ đuối sức trong thời gian còn lại của năm. Có một tin tốt là sự phục hồi của ngành du lịch châu Âu nhờ các biện pháp chống Covid được gỡ bỏ có thể giúp Eurozone tránh được khả năng tăng trưởng âm trong quý 3.

Sang quý 4/2022 và quý 1/2023, kinh tế Eurozone được dự báo sẽ suy giảm, một phần do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao trong những tháng mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp mà nguồn cung khí đốt vẫn chưa được cải thiện.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chắc chắn sẽ đẩy khu vực này rơi vào suy thoái”, chuyên gia kinh tế mark Cus Babic của ngân hàng Barclays nhận định.

 

“Nếu giá khí đốt giảm dưới 200 megawatt giờ, suy thoái ở châu Âu sẽ nông hơn nhiều và đỉnh của lạm phát cũng sẽ thấp hơn mức chúng tôi dự báo hiện nay”.

Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank

Mức độ nghiêm trọng của suy thoái sẽ tuỳ thuộc vào giá năng lượng tăng cao đến mức nào, và liệu châu Âu có tránh được cảnh phải chi khẩu phần năng lượng hay không. Nếu kịch bản khẩu phần khí đốt trở thành hiện thực, châu Âu sẽ phải đối mặt với một làn sóng đóng cửa nhà máy.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo nếu Nga cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt đối với châu Âu, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực Eurozone sẽ giảm mạnh trong quý 4 năm nay và quý 1 năm sau, khiến nền kinh tế khu vực suy giảm 0,9% trong cả năm 2023.

Tuy nhiên, tình hình thực tế sẽ tuỳ thuộc vào việc giá khí đốt diễn biến thế nào. Mấy ngày gần đây, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã giảm xuống sau khi EU bắt đầu vạch ra các chi tiết của kế hoạch chống chọi với khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, bao gồm áp trần giá khí đốt và giá điện. Giá khí đốt ở châu Âu đạt đỉnh ở mức 320 Euro/megawatt giờ hồi cuối tháng 8,  nhưng đã giảm dưới 200 USD trong tuần này.

“Nếu giá khí đốt giảm dưới 200 megawatt giờ, suy thoái ở châu Âu sẽ nông hơn nhiều và đỉnh của lạm phát cũng sẽ thấp hơn mức chúng tôi dự báo hiện nay”, chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate