July 15, 2022 | 09:46 GMT+7

Dư nợ tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng

Trong tổng số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản, mục đích tự sử dụng chiếm tới 66,3%, tương đương 1,55 triệu tỷ đồng...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái.

Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. 

Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu, dư nợ tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào mục đích tự sử dụng. Cụ thể, trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản là hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Ngoài việc thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, trong những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất.

Hiện tại, thị trường bất động sản bao gồm nhiều chủ thể tham gia. Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân.

Với các tổ chức tín dụng, theo quy định của pháp luật hiện hành, tham gia thị trường bất động sản với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ bất động sản.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, số liệu trên cho thấy Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản mà cơ quan này cảm thấy lo ngại về dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã tăng quá cao.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cân nhắc nới room tín dụng, lựa chọn thời điểm này hay đến hết quý 3/2022, định mức nới room với tỷ lệ tín dụng chỉ khoảng 16% và không ảnh hưởng lớn đến lạm phát...

“Từ trước đến nay, có nhiều ý kiến nói Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản nhưng theo tôi là không đúng bởi ngoài việc tăng chỉ số tính tài sản rủi ro cho bất động sản lên 250% ra thì không có bất kỳ động thái ghê gớm nào. Lý do bởi, Ngân hàng Nhà nước biết rằng, thị trường bất động sản gắn bó rất mật thiết với hệ thống ngân hàng”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, thời điểm này, khó khăn trên thị trường bất động sản không phải là đến từ phía cầu mà từ phía cung, khi số lượng dự án ít đi và trái phiếu dành cho dự án cũng bị suy giảm đợt vừa rồi. Trong khi đó, thị trường bất động sản về nguyên tắc là "đảo nợ trái phiếu để làm dự án".

“Tín dụng trung dài hạn dành cho khu vực bất động sản thấp hơn là trái phiếu dành cho bất động sản, bên cạnh đó, ưu thế của trái phiếu bất động sản là linh hoạt hơn khi có thể tái cơ cấu, đảo nợ… Do đó, không thể nói Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng dành cho bất động sản tạo nên những lo ngại trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước hiểu rất vững chắc, thị trường bất động sản không được phép sụp đổ vì bất kỳ lý do gì, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, trong đó có hệ thống ngân hàng”, ông Nghĩa nói.

Tại "Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" vừa được Chính phủ tổ chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, cơ quan này không siết tín dụng bất động sản mà chỉ yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ. Đồng thời, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Theo bà Hồng, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương: tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả; rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất;

Mặt khác, công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ; nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI... phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate