Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu giảm sau khi số liệu mới công bố cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, theo cập nhật từ Wall Street Journal.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu và các sản phẩm từ dầu trong tuần kết thúc ngày 19/8/2016 tăng 6,6 triệu thùng lên mức kỷ lục 1,4 tỷ thùng. Cũng trong khoảng thời gian trên, sản lượng dầu của Mỹ giảm 49 nghìn thùng xuống 8,5 triệu thùng/ngày.
Như vậy, tình trạng thừa dầu trên thị trường thế giới kéo dài suốt 2 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2016 giảm 1,33 USD, tương đương 2,8% xuống 46,77 USD/thùng. Thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 91 cent tương đương 1,8% xuống 49,05 USD/thùng.
Trong tuần trước đó, dự trữ dầu thô tăng 2,5 triệu thùng. Giới chuyên gia từng dự báo dự trữ dầu thô sẽ không tiếp tục tăng nhưng những con số mới công bố đã cho thấy điều ngược lại.
Từ đầu tháng 8/2019 cho đến nay, giá dầu đã tăng hơn 10% bởi dự báo chính phủ của nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ lớn sẽ có thể thống nhất với nhau không tăng sản lượng để cứu giá dầu. Tuy nhiên sau khoảng thời gian với nhiều thông tin trái chiều, nhiều nhà đầu tư đã bán ra chốt lời.
“Không có thông tin nào tích cực trong số liệu mới công bố. Dầu đã và vẫn đang thừa mứa dù nhu cầu đối với dầu đã tăng lên”, phó giám đốc tại quỹ Herbert J. Sims & Co, ông Donald Morton, nhận xét.
Thông tin tích cực nhất trong tuần này đối với thị trường năng lượng chính là việc Iran đồng ý tham dự buổi họp bàn về sản lượng dầu của OPEC vào tháng 9/2016 để tính đến việc phối hợp hành động giúp nâng giá dầu.
Vào tháng 4/2016, phần lớn các công ty xuất khẩu dầu lớn của thế giới đã không thể đạt được thỏa thuận này bởi Iran cương quyết từ chối không hợp tác. Dù vậy, không thể hoàn toàn lạc quan về khả năng sẽ có một thỏa thuận giữ nguyên sản lượng sẽ được đưa ra.
Giá dầu giảm quá sâu trong thời gian dài khiến nhiều tập đoàn, công ty năng lượng lớn của thế giới bắt buộc phải giảm đầu tư vào tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu mới. Tại Nauy, nước xuất khẩu dầu lớn nhất ở Tây Âu, các công ty năng lượng nước này ước tính sẽ chỉ đầu tư khoảng 150,5 tỷ Kroner tương đương 18,37 tỷ USD vào các dự án tìm kiếm và khai thác năng lượng.
Mức đầu tư này như vậy chỉ bằng 1/3 so với con số 220,7 tỷ Kroner cách đây 2 năm. Thậm chí vào năm sau, nhiều tập đoàn năng lượng sẽ phải chi thêm nhiều tiền để đóng cửa một số cơ sở khai thác năng lượng cũ.
Giá dầu giảm đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Nauy, hiện nay hoạt động khai thác và xuất khẩu năng lượng hiện đang đóng góp đến gần 40% doanh thu xuất khẩu của nước này.