Sau khi hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 150 km được khánh thành vào giữa tháng 6, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đang khai thác lên 1.729 km.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án với tổng chiều dài 350 km (5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 dài 229 km; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km; Bến Lức - Long Thành 58 km và Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km) cũng được triển khai với tinh thần “3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết” sẽ nâng tổng số km đường cao tốc của Việt Nam lên mức cao.
ĐƯỜNG THÔNG NHỜ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ
Đặc biệt, sát cánh cùng Bộ Giao thông vận tải, nhiều địa phương cũng nỗ lực triển khai dồn dập thêm nhiều dự án trọng điểm từ đầu năm 2023 với tổng chiều dài 1.406 km gồm: 12 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 104 km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 188 km; Vành đai 3 TP.HCM 76 km; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 53,7 km; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 117 km; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên 112 km và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 27 km.
Theo tính toán, cùng với 1.729 km đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, khởi công đến hết tháng 6 là 1.756 km, rõ ràng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, các địa phương, mục tiêu cả nước đạt 3.000 km vào năm 2025 hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu trọng điểm của trọng điểm, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng toàn tuyến huyết mạch Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hoàn thành trên 80%, trong đó, TP. Hà Nội đạt trên 84%, vượt mức kế hoạch đề ra là 70%. Như vậy, chỉ sau sau 1 năm 9 ngày, dự án trọng điểm này đáp ứng đúng tiến độ đề ra trước ngày 30/6/2023.
Mới đây, để xóa “vùng trũng” hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 cũng vừa được khởi công ngày 17/6. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia. Trước đó, ba dự án trọng điểm dài khoảng 247 km có tổng mức đầu tư lên đến 115.000 tỷ đồng gồm: đường Vành đai 3 TP.HCM và hai cao tốc trục ngang Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu cũng rầm rộ khởi công.
Chia sẻ tại lễ khởi công các dự án trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong nhiệm kỳ này sẽ huy động tới 500.000 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nguồn vốn hợp pháp khác ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Điều đặc biệt của các dự án trọng điểm khởi công dịp này, đó là được áp dụng cơ chế đặc thù để “đốt cháy” thời gian và đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặt ra đầy tham vọng.
Theo đó, một là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền các dự án thông qua việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Hai là, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực kết hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương. Ba là, áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, qua đó, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.
Nhờ phân quyền mạnh mẽ, dù các cấp, các ngành và các địa phương có dự án đi qua phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, từ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… chỉ trong thời gian rất ngắn vỏn vẹn một năm, rút ngắn một nửa thời gian so với cách triển khai thông thường, nỗ lực để khởi công đồng loạt các dự án nhằm cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
CAM KẾT MẠNH MẼ TỪ ĐỊA PHƯƠNG, NHÀ THẦU
Bày tỏ cam kết mạnh mẽ dưới góc độ địa phương có tuyến cao tốc đi qua, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh và cả khu vực. Đây cũng là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây...
“Về trách nhiệm của mình, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023; giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ triển khai các dự án vừa qua được đúc kết, giúp nhận diện sớm và tháo gỡ khó khăn, từ đó, khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông - Tây, các dự án vành đai đô thị tại TP.HCM và Hà Nội, các dự án kết nối liên vùng...
Đại diện nhà thầu thi công dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cũng khẳng định đây là dự án có quy mô lớn, có vai trò chiến lược hết sức quan trọng giúp kết nối liên vùng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và củng cố thế trận quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, đây cũng là dự án yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, tiến độ khẩn trương và thi công trong điều kiện nền đất yếu, địa chất phức tạp, nguyên vật liệu khan hiếm, vận chuyển khó khăn. Dù vậy, xác định tầm quan trọng của dự án và nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào gắn liền với trách nhiệm, lãnh đạo Tổng công ty xây dựng Trường Sơn khẳng định sẽ tập trung mọi nguồn lực từ con người, tài chính, thiết bị để tổ chức thi công khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt ít nhất 3.000 km cao tốc, đến năm 2030, cả nước có 5.000 km, trong hai nhiệm kỳ phải triển khai số km cao tốc gấp 4 lần giai đoạn trước. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng từ những kinh nghiệm quý giá “bỏ túi” từ việc khánh thành hai dự án cao tốc vừa qua, đặc biệt là dự án Nha Trang - Cam Lâm về đích trước 3 tháng, những khó khăn, bất cập của giai đoạn trước chắc chắn sẽ được khắc phục.
VẬN DỤNG NHỮNG BÀI HỌC, KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Theo ghi nhận, cùng với các dự án khác giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Bởi các dự án chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, công tác giải phóng mặt bằng dù triển khai quyết liệt nhưng chưa đáp ứng kế hoạch. Biến động giá nguyên, nhiên vật liệu do xung đột địa chính trị gây khó khăn đến nguồn lực tài chính các nhà thầu; thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ; hoặc các quy định còn nhiều vướng mắc… gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2023 phát hành ngày 26-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam