Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành hàng nông sản Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/9, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export) cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế
KHẢ NĂNG CẠNH TRANH THẤP
Theo Tổng thư ký VCCI, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và ngành nông sản nói riêng.
Giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế đất nước.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Trong đó EU là thị trưởng tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nhóm nông sản lại có những tăng trưởng tích cực, đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %.
Trong đó ngành rau quả là điểm sáng khi mang lại cho Việt Nam 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm trước, hướng tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD trong năm 2023. Riêng đối với thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 139,3 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, bà Trần Thị Lan Anh cho rằng sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp.
Bên cạnh đó, nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hơn nữa, các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì thế việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức nhất định.
ĐẨY MẠNH NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG DỤNG CÔNG NGHỆ
Như vậy, để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
“Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản là một trong những đòn bẩy quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Cùng với các giải pháp trên, cần tiếp tục đàm phán, mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và những thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đó là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,...).
Cùng với đó, cần phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến. Đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.