7 tháng của năm 2024 đã trôi qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Số lao động đưa đi đạt gần 90.000 người.
HOÀN THÀNH GẦN 72% KẾ HOẠCH NĂM CHỈ TRONG 7 THÁNG
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong 7 tháng năm 2024, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn. Thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng.
Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động, đạt 71,89% kế hoạch năm 2024. Năm 2024, mục tiêu đặt ra là đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện các thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ, với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Với thị trường Nhật Bản, tháng 6 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại, bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới của Nhật Bản nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn. Qua đó, giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này.
Cơ chế lao động nước ngoài mới được thiết kế để thúc đẩy và thu hút nhân tài nước ngoài, cũng như giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm có được các kỹ năng cần thiết. Nhờ đó, trong vòng 3 năm, họ có thể chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định dành cho lao động có tay nghề.
Cơ chế này cũng nhằm thay thế Chương trình thực tập sinh kỹ năng được thực hiện từ năm 1993, với danh nghĩa phát triển các kỹ năng kỹ thuật của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển.
Theo cơ chế mới, người lao động nước ngoài giờ đây có thể thay đổi công ty sử dụng lao động trong cùng ngành với một số điều kiện nhất định, miễn là họ đã làm việc ở một nơi trong hơn 1 năm, và bảo đảm khả năng tiếng Nhật, cũng như chuyên môn có thể đáp ứng các yêu cầu nhất định.
Ngoài ra, theo chương trình mới, các tổ chức giám sát, hoạt động như các bên môi giới và công ty giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, sẽ được đổi tên thành "các tổ chức hỗ trợ giám sát".
Các công ty tư nhân sẽ bị loại khỏi hoạt động hỗ trợ chuyển việc, nhằm ngăn chặn những kẻ môi giới lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người lao động, để chèn ép và trục lợi.
Để triển khai các công việc, sớm tiếp cận luật mới của Nhật Bản, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, và các đơn vị phái cử của Việt Nam tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi xuất cảnh, đặc biệt là đào tạo về ngoại ngữ đạt trình độ tiếng Nhật N5.
Đồng thời, Bộ cũng đang giao các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn các nội dung, để sớm ký kết lại các bản ghi nhớ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, nhằm triển khai tốt luật mới trên.
TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG LAO ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP
Bên cạnh những điểm sáng là số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường được mở rộng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài vẫn là vấn đề nan giải, dù tỷ lệ này đang giảm dần.
Tỷ lệ lao động không về nước khi hết hợp đồng hiện nay nhiều nhất là ở thị trường Hàn Quốc. Gần đây nhất, hồi tháng 5, Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ này đã thông báo danh sách gần 3.200 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, cho biết số liệu ở thời điểm hiện tại chưa thống kê đầy đủ, song theo nắm bắt, tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang giảm dần, hiện vẫn đang ở mức dưới ngưỡng Hàn Quốc yêu cầu. “Chúng tôi và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng này”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), những năm qua, cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đã nỗ lực để giảm tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Hiện tỷ lệ này đang giảm đều và giảm theo lộ trình mà hai nước đã đề ra trong bản ghi nhớ.
Trong quá trình triển khai bản ghi nhớ, từ năm 2016 đến nay, hai nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như tuyển chọn, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, để người lao động nhận thức được việc tuân thủ pháp luật, hợp đồng lao động.
Đồng thời, thực hiện ký quỹ. Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nếu người lao động bỏ hợp đồng, hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng, thì tiền ký quỹ và tiền lãi được chuyển vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm, và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương.
Bên cạnh đó, hằng năm, hai bên sẽ đều rà soát để hạn chế tuyển chọn lao động tại một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, không được sang nước này làm việc.
Còn ở phía Hàn Quốc, ông Hương cho biết nước bạn cũng tăng cường kiểm tra lao động bất hợp pháp, cũng như tăng cường kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động bất hợp pháp và có chế tài xử lý.
“Nhờ các giải pháp tương đối mạnh mẽ và quyết liệt, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đã giảm đều. Tuy nhiên, để giảm về mức bằng không là tương đối khó”, ông Hương nhìn nhận.
Với những vấn đề còn tồn tại, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nói tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để xử lí.
Đơn cử thị trường Hàn Quốc, hai bên thống nhất 2 năm một lần, sẽ thoả thuận về kế hoạch thực hiện các giải pháp để giảm được tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Bám vào kế hoạch đó, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ thực hiện triển khai.
"Hy vọng, tỷ lệ lao động không về nước sẽ giảm được về ngưỡng hai nước đã đề ra trong kế hoạch”, ông Hương tin tưởng.