May 16, 2024 | 14:00 GMT+7

Lao động đăng ký sang Hàn Quốc làm việc tăng cao kỷ lục

Phúc Minh -

Trong đợt tuyển chọn đầu tiên của năm 2024, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam gần 15.400 chỉ tiêu lao động sang nước này làm việc, song thống kê cho thấy số người đăng ký tăng cao gấp 3 lần…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong kỳ thi tiếng Hàn, đợt 1 năm 2024 cho người lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS), có tổng chỉ tiêu tuyển chọn là gần 15.400 lao động. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, đã có gần 45.000 lao động đăng ký dự tuyển.

Kỳ thi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, để tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong 4 ngành nghề gồm: Sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp và ngư nghiệp. 4 tỉnh, thành phố có tổ chức thi là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và Thanh Hóa. Kỳ thi sẽ được tổ chức qua 2 vòng là thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề.

Để đảm bảo an toàn, minh bạch của kỳ thi, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng, cho biết vừa qua Trung tâm đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tại Việt Nam, các trường nơi đặt địa điểm phòng thi và các cơ quan tổ chức kỳ thi, bảo đảm tính nghiêm túc và an ninh, trật tự trong các bước triển khai quy trình kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024.

Đáng chú ý, bắt đầu tại đợt thi tiếng Hàn năm 2024, đơn vị đã áp dụng công nghệ mới trong việc phòng chống gian lận thi cử, kiểm tra thông tin trên căn cước công dân có gắn chip, dựa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu kết quả từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì và triển khai.

Trung tâm đã yêu cầu các thí sinh dự thi phải đăng ký định danh điện tử ở mức độ 2 trên ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử). Thông qua đó, nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp sử dụng giấy tờ giả để tham gia dự thi. Đồng thời, tăng cường việc giám sát, tra soát thông tin thông qua ứng dụng, giảm thời gian tác nghiệp cho cán bộ giám thị.

Áp dụng công nghệ để tránh gian lận thi cử. Ảnh: MOLISA.
Áp dụng công nghệ để tránh gian lận thi cử. Ảnh: MOLISA.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cử từ 2 - 6 cán bộ giám thị của Trung tâm phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc để kiểm tra, kiểm soát nhận diện thí sinh và hướng dẫn thủ tục trước khi vào thi.

Ngoài các biện pháp đã áp dụng trong các kỳ thi trước đây, trong kỳ thi năm nay, Trung tâm đã bổ sung thêm các biện pháp nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận trong thi cử như: Sử dụng thiết bị và phần mềm đọc chip trên căn cước công dân và đối chiếu khuôn mặt.

Cùng với đó, trao đổi với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đảo đổi giám thị trông thi trong phòng thi tiếng Hàn; phối hợp rà soát bổ sung các biện pháp phòng tránh, phát hiện các biện pháp tiêu cực trong phòng thi nếu có.

Riêng với điểm thi tại Thanh Hóa, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đề nghị trao đổi, bố trí cán bộ công an trực tại điểm thi, và bố trí các thiết bị phá sóng điện thoại, internet wifi để ngăn ngừa các hành vi mang thiết bị điện tử vào phòng thi.

Chương trình EPS được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc triển khai từ năm 2004. Tính đến nay, đã có hàng trăm nghìn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này, đóng góp tích cực trong tạo việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate