Hội nghị "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng" sẽ diễn ra ngày 12/7 tại Tp.Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo UBND Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị.
Quyết định số 200/TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.
Bộ Công Thương với vai trò đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan triển khai thực hiện.
Hải Phòng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi
Hải Phòng là thành phố có lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của quốc gia. Hải Phòng có nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp với phương thức vận tải thương mại quốc tế. Cảng Lạch Huyện đang được xây dựng để trở thành cửa ngõ quốc tế.
Với kết cấu hạ tầng giao thông khá đầy đủ ở mọi hình thức vận tải, sân bay Cát Bi đang được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu tăng cao của logistics hàng không. Hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ nối Hải Phòng với Hà Nội và các tỉnh, thành phố khá thuận tiện. Đường sắt kết nối với Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và vào các tỉnh phía Nam.
Hải Phòng cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và cơ sở đào tạo logistics của miền Bắc. Hải Phòng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển "Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc".
Theo quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc); một cực tăng trưởng quan trọng của "Hai hành lang kinh tế", một trọng điểm phát triển kinh tế biển.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Hải Phòng sẽ được nâng cấp, hoàn thiện các trang thiết bị và xây dựng hai bên tại Đình Vũ để tàu 20.000 DWT có thể thuận tiện lưu thông, đưa năng lực thông quan lên tới 25-30 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng sẽ là nơi được hưởng lợi nhờ vị trí chiến lược gần các quốc gia Đông Bắc Á và cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện.
Chưa phát huy tiềm năng và lợi thể
Tuy nhiên, với vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, cũng như chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả.
Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.
Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho ngành logistics Việt Nam phát triển. Đó là Nghị định số 30/CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển, Nghị định số 89/CP, Quyết định số 200/TTg. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 549 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics Tp.Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu cho Hải Phòng đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc...
Hội nghị giúp Hải Phòng đánh giá, nhận thức đúng vai trò của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm phát huy lợi thế vị trí chiến lược của Hải Phòng, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tạo ra sự lan toả trong khu vực.
Các hoạt động phát triển hệ thống logistics của Hải Phòng sẽ được trao đổi tại hội nghị, bàn thảo cơ chế phối hợp giữa các bộ quản lý chuyên ngành và địa phương để thực hiện kế hoạch hành động tại Quyết định 200/TTg.
Các đại biểu sẽ thảo luận các giải pháp thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối để đưa Hải Phòng trở thành đầu mối logistics của khu vực.
Hội nghị sẽ dành nhiều thời gian đối thoại giữa Bộ Công Thương, UBND Tp.Hải Phòng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Lắng nghe các góp ý, kiến nghị, đề xuất giải pháp của các doanh nghiệp để triển khai một cách hiệu quả...
Sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương UBND Tp.Hải Phòng, thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự, bao gồm Văn phòng Chính phủ; Ban kinh tế TƯ; Văn phòng Quốc hội; đại diện các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Khoa học công nghệ, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan quản lý tại địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu...