Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có buổi làm việc trực tiếp với Tập đoàn Sunwah (Trung Quốc) và các doanh nghiệp đối tác Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ trong chuỗi các nội dung hợp tác xây dựng và vận hành “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tại Trung Quốc.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THÚC ĐẨY GIAO THƯƠNG
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết vào cuối tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc với ông Jesse Choi, Tổng Giám đốc Sunwah Khu vực Đông Nam Á.
Trong cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tán thành đề xuất xây dựng một sàn giao dịch điện tử xuất nhập khẩu nông sản tại Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước thuận lợi giao thương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chủ trì làm đầu mối hợp tác với Tập đoàn Sunwah Hồng Kông xây dựng và vận hành “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tại Trung Quốc.
Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp còn được giao nhiệm vụ tổ chức các chương trình giao lưu, đào tạo, tập huấn, kết nối kinh doanh, tìm hiểu thị trường và chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, tổ chức đoàn doanh nghiệp của hai quốc gia tham gia các hội chợ triển lãm nông sản, thực phẩm cấp quốc gia và cấp vùng; đưa các đoàn doanh nghiệp đi tham quan, khảo sát vùng nguyên liệu, khu chế xuất và làm việc với các nhà nhập khẩu nông sản, thực phẩm tại hai quốc gia với mục đích chính là thúc đẩy gia tăng giá trị, quy mô và chủng loại mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Minh Tiến nhận định: Thương mại điện tử là hình thức mới, khó nhưng là xu hướng tất yếu mà các nhà cung ứng Việt Nam cần sớm gia nhập sân chơi này. Đây là cách tốt nhất để các nhà sản xuất, nhà cung ứng có thể bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng, khi 2/3 người dân Trung Quốc đang có xu hướng mua hàng online. Hy vọng gian hàng nông sản Việt Nam (Sunwah Gelafood) sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam sớm thích nghi với sân chơi mới này.
Tại cuộc làm việc, bà Qi Ping, Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Sunwah Gelafood, cho biết thực thi Chương trình hợp tác ký kết giữa Sunwah và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty Sunwah sẽ điều hành các cửa hàng trực tuyến và trực tiếp với tên gọi “Gian hàng Nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử công cộng của Trung Quốc, nền tảng thương mại Mr. Asean Mall và các cửa hàng thực tế cùng các kho hàng Việt Nam tại Trung Quốc.
Thương nhân Việt Nam muốn cung cấp sản phẩm của mình cho người mua ở Trung Quốc, sẽ thực hiện bằng cách phối hợp với Công ty Sunwah. Công ty Sunwah sẽ thay mặt cho thương nhân Việt Nam thực hiện quản lý, hỗ trợ hoặc trả lời mọi yêu cầu hoặc thắc mắc của người tiêu dùng Trung Quốc về dịch vụ khách hàng liên quan đến sản phẩm. Đồng thời, tham gia vào các chiến dịch tiếp thị do Gian hàng tổ chức hoặc ủy quyền để giới thiệu nội dung và sản phẩm của thương nhân Việt Nam trong các chiến dịch tiếp thị tại Trung Quốc.
CẦN ĐÁP ỨNG NHIỀU QUY ĐỊNH
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu các câu hỏi và được phía Trung Quốc giải đáp. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký đưa sản phẩm lên Gian hàng nông sản Việt Nam, phải đáp ứng một số quy định.
Thứ nhất, tuân thủ pháp luật và quy định có liên quan; tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam; có quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu độc lập; sẵn sàng đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc để quảng bá thương hiệu của mình.
Thứ hai, hoạt động kinh doanh ổn định trong hơn 3 năm, có khả năng cung ứng và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tương đối tốt.
Thứ ba, sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, phải tuân thủ các quy tắc liên quan của nền tảng thương mại điện tử, sẵn sàng hợp tác với Tập đoàn Sunwah để tối ưu hóa sản phẩm theo quy định của Trung Quốc về hàng hóa nhập khẩu.
Bà Qi Ping cho hay các doanh nghiệp Việt Nam cần có các video ngắn giới thiệu về sản phẩm của mình. Trên các nền tảng điện tử tại Trung Quốc, Gian hàng nông sản Việt Nam sẽ phát các video ngắn và livestream bán hàng. Các video chính thống từ vài giây đến vài phút có thể tận dụng triệt để quỹ thời gian rời rạc của khách hàng, để liên tục truyền tải thông tin về nông sản Việt Nam đến nhận thức người xem.
"Các video ngắn là nguồn thông tin hàng ngày được gần 1 tỷ người Trung Quốc ưa chuộng. Hình thức livestream bán hàng tại các kho ngoại quan Trung Quốc sẽ giúp người sản xuất tại Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng ở Trung Quốc", bà Qi Ping chia sẻ.
Đại diện Sunwah Gelafood cho biết Tập đoàn sẽ có các hình thức hỗ trợ đào tạo các nhà cung ứng về khâu hậu cần, đóng gói bao bì đến cách thức livestream hiệu quả.
Tuy nhiên, một vấn đề khiến các doanh nghiệp Việt Nam băn khoăn là phía Sunwah yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia, cần phải đặt cọc 20% giá trị của mỗi lô hàng.
“Công ty chúng tôi đang xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và rất quan tâm tới hình thức bán lẻ cộng tác với tập đoàn. Tuy nhiên tôi khá giật mình với tỷ lệ đặt cọc 20% và sau lô hàng đầu tiên 2 tháng mới được thanh toán. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, tôi hy vọng Sunwah có thể nghiên cứu phương án tối ưu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt thâm nhập được thị trường Trung Quốc”, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Yến sào Đại Phát bày tỏ.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Tập đoàn Sunwah cho biết khoản đặt cọc là quy định chung của thương mại điện tử Trung Quốc. Điều tập đoàn có thể hỗ trợ là không thu quá 20% tiền đặt cọc với các nhà cung ứng.
“Đây là tỷ lệ đặt cọc thấp duy nhất ở sàn thương mại điện tử thay cho mức 50% thông thường”, bà Qi Ping giải thích, đồng thời cho biết: "Tập đoàn Sunwah đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ủy quyền để vận hàng sàn thương mại điện tử Trung Quốc nên chúng tôi sẽ có kiến nghị lại về việc giảm đặt cọc. Ngoài ra, chúng tôi cũng không thu chi phí vận hàng sàn thương mại điện tử để hỗ trợ các nhà cung ứng Việt Nam”, bà Qi Ping nói.
Về thời gian thanh toán, đại diện tập đoàn cho biết cần 40-60 ngày để thu tiền và đối chiếu thanh toán lại cho nhà cung ứng trong lần đầu tiên. Từ những lần sau, các nhà cung ứng sẽ được thanh toán hàng tuần rất nhanh và tiện lợi.