“Việc FDI đổ vào bất động sản nhiều vẫn là một tín hiệu tốt cho một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam”.
Đó là bình luận của ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong cuộc trao đổi với VnEconomy.
Vốn đăng ký cao là một điều tốt
Ông nhìn nhận thế nào về con số hơn 45 tỷ USD vốn đăng ký FDI trong 7 tháng qua?
Qua hơn 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, tỷ lệ vốn FDI đã tăng dần qua các thời kỳ, từ 18 - 28%/GDP. Nếu chúng ta tích cực, làm tốt hơn nữa công tác giải ngân thì tỷ lệ này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn lớn hơn nữa.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong khi chúng ta đang nỗ lực huy động các nguồn lực, đặc biệt là vốn để phát triển kinh tế xã hội, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, dù có nhiều ý kiến khác nhau về con số 45 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng với tư cách là một người đảm nhiệm lĩnh vực này, tôi xin khẳng định rằng, đó là một kết quả rất là tốt trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta.
Điều đó cũng khẳng định rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tin tưởng vào Việt Nam cũng như là môi trường đầu tư, kinh doanh của chúng ta. Chính điều này đã tạo ra tiền đề, cơ hội để chúng ta có điều kiện chuẩn bị nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện tại và tương lai.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, số vốn đăng ký quá lớn như vậy có thể là do chúng ta dễ dãi trong cấp phép, nên những hệ lụy là khó lường trước được, thưa ông?
Theo tôi thì nên nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện, tổng thể về những mặt được và chưa được của thu hút FDI trong giai đoạn vừa qua. Đầu năm nay chúng tôi cũng đã tổ chức tổng kết 20 năm thu hút FDI. Tất cả những ý kiến đóng góp về tích cực, hạn chế đều đã được đưa ra.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều, bất cứ một vấn đề gì thì cũng thường có tính hai mặt của nó, giống như là một tấm huân chương vậy. Mặt được của thu hút FDI là đã có những thời kỳ nó chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đồng thời thông qua đó đã khai thông rất nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế cho chúng ta.
Do đó, chúng ta không nên nhìn nhận những sự việc đơn lẻ để kết luận về tổng thể về bản chất một vấn đề. Để có được một kết quả như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu của rất nhiều bên liên quan cũng như toàn xã hội. Những dự án được triển khai hay đã được cấp phép hôm nay không phải là những dự án mới được thẩm định hôm qua. Mà là đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Hơn nữa , hiện nay, các dự án có vốn FDI đã và đang có sự thay đổi cả về chất và lượng với những sự chuẩn bị khá kỹ càng của các bên liên quan.
Do vậy, không thể nói là vốn đăng ký cao như vậy là do chúng ta dễ dãi trong cấp phép được.
Vẫn cần nhiều dự án bất động sản
Nhiều người lo ngại rằng, trong tổng số 45 tỷ USD vốn FDI thì phần lớn là nhằm vào bất động sản, do đó tính hiệu quả cho nền sản xuất xã hội là không lớn lắm, thưa ông?
Chúng tôi đã có tính toán và đánh giá sơ bộ. Theo đó, hiện nay trong tổng số hơn 45 tỷ USD thu hút FDI thì tỷ lệ phân bổ vào sản xuất và dịch vụ là 50/50%, trong đó xu thế vào sản xuất vẫn tiếp tục phát triển.
Chúng ta chỉ băn khoăn và hơi tiếc một chút về tỷ lệ vốn vào nông nghiệp vẫn quá thấp, nhưng vẫn có thể cải thiện được điều này bởi chúng ta hoàn toàn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Còn việc FDI vào bất động sản khá cao như hiện nay, thì tôi xin dám khẳng định rằng, chúng ta không phải quá lo lắng về điều này. Lý do là bởi, hiện nay chúng ta vẫn đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước, trong đó bất động sản sẽ và phải đóng góp một phần cho công cuộc này.
Hiện nay, nhìn vào các thành phố lớn thì có một điều dễ nhận thấy, đó là các dự án, các công trình bất động sản lớn, những khách sạn 5 sao… đều có yếu tố nước ngoài. Chính họ đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc mở cửa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch…
Hơn nữa, những dự án bất động sản chủ yếu là những dự án có quy mô và tổng vốn đầu tư rất lớn nên khoảng thời gian từ khi cấp phép đến lúc hoàn thành là khá dài, thường là 3 - 5 năm, thậm chí có dự án mất 10 năm mới hoàn thành.
Nhưng quan trọng hơn là các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khó khăn của kinh tế Việt Nam chỉ là trong ngắn hạn, còn về lâu dài thì rất có tiềm năng để đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy, trong khi các nhà đầu tư bất động sản trong nước đang gặp khó khăn thì với thế mạnh về nguồn vốn, nhà đầu tư nước ngoài đã tranh thủ cơ hội này để trở thành những người đi trước, chứ họ không thể chờ đến khi mọi việc tốt đẹp mới triển khai thì sẽ không còn nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, nếu nhìn một cách thực tế hơn thì hiện nay, nguồn cung cho bất động sản của chúng vẫn còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, không có nguyên nhân gì mà chúng ta lại từ chối các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu nguồn cung dồi dào, chắc chắn những lợi ích mang lại cho người dân sẽ lớn hơn rất nhiều so với những hạn chế của nó.
Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ quản lý, giám sát làm sao để đảm bảo tính bền vững trong đầu tư phát triển, những vấn đề về môi trường sinh thái… Vụ Huyndai Vinashin vừa qua là một bài học để chúng ta có thể đóng cửa, rút giấy phép của bất kỳ dự án nào có tác động xấu đến môi trường sinh thái…
Đồng thời chúng ta cũng không nên đánh đồng một sự kiện đơn lẻ để kết luận một vấn đề tổng quát. Vụ Sony ngừng hoạt động là do họ đã tuyên bố ngay từ hồi mới vào là chỉ đầu tư ở Việt Nam 10 năm, trong khi tại sao chúng ta không đề cập đến rất nhiều các tập đoàn khác đang triển khai mới, tăng vốn đầu tư như Itel, Canon, Foxcon, Formosa…
Vì thế không thể kết luận là đầu tư ở Việt Nam thiếu bền vững và đã đến đáy của hình parapol về đầu tư. Đây là ý kiến sai trái, thậm chí là nhằm mục đích quấy phá nền kinh tế của chúng ta.
Do vậy, tôi xin khẳng định rằng, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển tốt, các dự án vào bất động sản là hoàn toàn hợp lý và vẫn mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cho nền kinh tế.
Như vậy, có nghĩa là trong thời gian tới, nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu đầu tư vào bất động sản thì chúng ta vẫn tiến hành cấp phép, mà không có sự từ chối hay chuyền hướng, thưa ông?
Trên thực tế thì hiện nay luật pháp của chúng ta chưa hề cấm đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, tôi xin nhắc lại rằng, cầu về bất động sản của chúng ta vẫn còn rất lớn. Đồng thời, cũng qua việc thu hút FDI vào bất động sản chúng ta sẽ có điều kiện để quy hoạch lại những khu vực tiềm năng.
Vấn đề là chúng ta sẽ phân bổ đầu tư vào đâu, khi nào để đảm bảo tính cân bằng, bền vững và đúng quy hoạch.
Do đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu đầu tư vào bất động sản thì chúng ta vẫn tiếp tục hoan nghênh và tạo điều kiện cấp phép đầu tư.
Sẽ tăng cường giải ngân
Về vấn đề giải ngân, chỉ với 6 tỷ USD vốn thực hiện/ 45 tỷ vốn đăng ký. Liệu công tác giải ngân của chúng ta có vấn đề, thưa ông?
Thực tế thì đây là con số cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay.
Cả năm 2007, vốn thực hiện của chúng ta cũng chỉ đạt được 8,2 tỷ USD. Mục tiêu của cả năm nay là khoảng 10,5 - 11 tỷ USD vốn thực hiện.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, điều kiện để giải ngân những nguồn vốn này của chúng ta đang còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, với một số vốn đăng ký lớn như vậy nên ở một chừng mực nào đấy chúng ta cũng không thể đáp ứng được cho các nhà đầu tư, tạo nên những rào cản bất khả kháng.
Ngoài ra, về vấn đề quy hoạch, thủ tục hành chính của cấp cơ sở, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều bất cập, gây cản trở cho việc giải ngân của các nhà đầu tư.
Đó chính là những nguyên nhân khiến cho khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện vẫn còn khá cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt để giải quyết những vướng mắc trên, tạo điều kiện để tăng tổng số vốn thực hiện qua từng năm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate