Kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày năm nay, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn một số khó khăn như giá vé máy bay cao khiến người dân chuyển hướng sang đi du lịch quốc tế, một số điểm nóng du lịch gặp mưa bão trước kỳ nghỉ. Dù vậy, nhìn chung các thành phố du lịch trên cả nước đều đón lượng khách và doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ 2023.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết từ ngày 31/8 đến 3/9, ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023). Đặc biệt, nhờ các tuyến đường cao tốc đã đi vào hoạt động, giao thông thuận lợi, một số điểm đến đón lượng khách gia tăng đột biến.
BÌNH ĐỊNH
Ngày 4/9, Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, trong 4 ngày nghỉ nhân dịp lễ Quốc khánh, Bình Định đón 204.044 lượt du khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu đạt 555 tỉ đồng. Trong đó, lượt khách lưu trú ước đạt 96.000 lượt. Công suất phòng tại các cơ sở ước đạt từ 30% đến 70%.
Thị trường khách chủ yếu là khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch lớn: Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây nguyên... Lượng khách tham gia các sự kiện và tham quan tại các khu, điểm du lịch biển đảo tăng cao, với tổng cộng 108.044 lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số điểm du lịch nổi bật như Eo Gió, Kỳ Co, Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn) thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.
Theo Sở Du lịch Bình Định, việc có sự dịch chuyển về nhóm khách nội địa là do một phần có sự thuận lợi về giao thông. Việc đường bộ cao tốc thông suốt từ TP.HCM đến Quy Nhơn, khách du lịch ở các tỉnh phía Nam đi bằng đường bộ đến Quy Nhơn rất thuận lợi. Ngoài đường bộ và đường hàng không thì đường sắt cũng được khách du lịch nội địa chọn di chuyển trong dịp lễ.
BÌNH THUẬN
Tỉnh Bình Thuận năm nay tiếp tục bội thu từ du lịch nhờ tuyến đường cao tốc. Ước tính trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay lượng khách du lịch đến tỉnh tham quan, lưu trú đạt khoảng 385.000 lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so năm 2023, trong đó khách quốc tế khoảng 9.700 lượt, doanh thu khoảng 510 tỷ đồng.
Điều đáng nói, dù nhu cầu đặt phòng cao nhưng các cơ sở lưu trú chỉ tăng giá khoảng 10% so với ngày thường. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, hãng lữ hành, điểm tham quan thực hiện nhiều gói giảm giá từ 10 - 30% sản phẩm, dịch vụ, vé tour tuyến.
Trong dịp lễ, lượng khách tập trung đông vào các ngày 31/8, 01/9 và 02/9, bình quân công suất phòng đạt từ 80 - 95%, trong đó có nhiều cơ sở đạt công suất 100%. Khách du lịch đa số đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh Nam bộ… và lưu trú, nghỉ dưỡng tập trung ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, La Gi, Phú Quý.
KHÁNH HÒA
Từ thời điểm 30/4 - 1/5 đến cao điểm du lịch hè, Khánh Hòa (với Nha Trang là điểm đến trọng yếu) là địa phương đứng đầu về lượng khách ghé thăm. Kỳ nghỉ 2/9, địa phương này tiếp tục chứng tỏ là điểm đến top đầu khu vực miền Trung khi đón 578.219 lượt khách. Con số này giúp tỉnh Khánh Hòa thu về 756.306 tỷ đồng vào lễ Quốc khánh năm nay, giữ vững vị trí "hoa khôi" du lịch miền Trung và top 3 cả nước.
"Giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của khách du lịch nội địa, nhưng với việc đường bộ cao tốc thông suốt từ TP.HCM đi Nha Trang, khách du lịch ở đây và các tỉnh phía Nam đi bằng đường bộ đến Khánh Hòa rất thuận lợi, ngoài đường bộ và đường hàng không thì đường sắt cũng được khách du lịch nội địa chọn di chuyển trong dịp lễ năm nay", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết.
Nhìn chung cả tỉnh, công suất phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú ở khu vực Bãi Dài, Dốc Lết và các khu nghỉ dưỡng khép kín ở các đảo có tỷ lệ cao hơn khách sạn nằm trong trung tâm TP Nha Trang đạt khoảng 70% trở lên. Một số khu nghỉ dưỡng có công suất phòng trên 90%. Trong khi đó, khu vực nội thành Nha Trang có công suất phòng bình quân chỉ từ 60%. Một số khách sạn ven đường biển Trần Phú có công suất trên 70%.
THANH HÓA
Tại phía Bắc, kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay toàn tỉnh Thanh Hóa đón khoảng 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Trong đó, khách lưu trú đạt 140.500 lượt (chiếm 35,5% tổng lượng khách). Những điểm đến dẫn đầu số lượng khách du lịch phải kể đến Sầm Sơn với 198.200 lượt khách, Pù Luông đón gần 60.000 lượt khách, Hải Tiến đón khoảng 58.000 khách.
Với lượng khách lớn, tổng thu du lịch Thanh Hóa trong kỳ nghỉ lễ đạt 870,5 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông có công suất sử dụng phòng đạt 100%. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban quản lý Di tích Thành nhà Hồ, cho biết, do đợt nghỉ lễ kéo dài, thời tiết mát mẻ, đường cao tốc ở khu vực Bắc miền Trung kết nối miền Bắc đã hoàn thiện… nên du khách đến tham quan di tích tăng đột biến với gần 10.000 lượt khách.
NINH BÌNH
Dù không có biển, Ninh Bình vẫn là một trong những địa phương có du lịch "tỏa sáng" sau kỳ nghỉ khi mức độ tăng trưởng khách và doanh thu đều thuộc top cao của cả nước. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tỉnh đón khoảng 374.000 lượt khách, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2023. Khách quốc tế ước đạt 74.000 lượt, tăng gần 280%.
Doanh thu toàn tỉnh ước đạt gần 650 tỷ đồng, tăng hơn 180% so với năm ngoái. Công suất sử dụng phòng đạt trung bình 85 - 90%, riêng hai tối 31/8 và 1/9, công suất sử dụng phòng đạt 100%. Để đạt kết quả bội thu dịp Quốc khánh, trước đó tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm thu hút khách du lịch như Lễ hội văn hóa ẩm thực Tam Cốc, chương trình văn nghệ hàng đêm tại khu phố cổ Hoa Lư, khai thác điểm du lịch mới chùa Vàng...
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lượng hành khách đi máy bay đạt 98% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không đạt hơn 763.000 hành khách. Trong đó, các chuyến bay quốc tế đạt hơn 406.500 khách (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023); hành khách nội địa đạt hơn 356.500 khách (giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2023).