CMCN 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày.
Cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. E-Logistics khiến những doanh nghiệp nào muốn theo con đường này phải chuyển đổi số mạnh mẽ.
NGÀNH HẬU CẦN CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
E-Logistics có đặc thù riêng với những đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng đơn hàng lớn, nhiều chủng loại, tiến độ giao hàng nhanh, đòi hỏi độ chính xác cao. Trong lĩnh vực này, công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện e-Logistics, green logisitics... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain... Ngành này cũng đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi...
Trong khi đó, hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào công việc hàng ngày còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản... Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, khoảng 50% - 60% doanh nghiệp đang ứng dụng từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.
Đã có một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Chẳng hạn, cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding... Tuy nhiên, ngành e-Logistics Việt Nam vẫn đang được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Lý do chính là hiện nay các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam hầu hết đều có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về CNTT còn yếu và thiếu. Theo VLA, phần lớn doanh nghiệp logistics và chuyển phát nhanh tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, trong đó 90% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng, 5% doanh nghiệp có vốn từ 10 - 20 tỉ đồng. Đối với những doanh nghiệp này, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng e-Logistics là vô cùng gian nan.
Theo VLA, quá trình chuyển đổi số có chi phí rơi vào khoảng từ 200 triệu tới hàng chục tỷ đồng. Mức chi phí này là khá cao đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu đầu tư theo hướng tự động hóa như các mô hình và phần mềm nước ngoài thì tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu; còn nếu tự làm theo mô hình nội bộ sẽ mất nhiều thời gian, khó khăn, cần chi phí và nguồn nhân lực công nghệ thông tin… Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư chuyển đổi số trở thành một trong những bài toán khó giải nhất hiện nay dành cho các doanh nghiệp ngành này, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính tín dụng.
CẦN NHỮNG BƯỚC TIẾN NHANH VÀ MẠNH HƠN
Theo khảo sát của Redseer1, khoảng 86% số người tiêu dùng Việt Nam sẽ duy trì hoặc tăng mua sắm trực tuyến trong giai đoạn hậu Covid-19. Mặc dù tỷ lệ dịch vụ logistics nội bộ (inhouse logistics) ngày càng được các công ty chú trọng nhưng các dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL) được kỳ vọng sẽ chiếm hơn 2/3 tỷ trọng trong thị trường e-Logistics khu vực. Ngoài những cái tên nội địa như VNPost, Viettel Post, AhaMove..., các "đại gia" quốc tế cũng đã có chân tại đây như Grab, Gojek hay LalaMove.
Để ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, bắt kịp trình độ quốc tế, theo xu hướng hình thành ngành e-Logistics trong bối cảnh CMCN 4.0 Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho doanh nghiệp e-Logistics. Thêm vào đó là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao có hình thức cho thuê, chuyển giao các phần mềm quản trị e-Logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trên cơ sở miễn phí hoặc giá ưu đãi để các doanh nghiệp đều có cơ hội sử dụng và tham gia vào chuỗi cung ứng e-Logistics.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, lãi vay để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics Việt nam có quy mô lớn có điều kiện đầu tư hệ thống kho bãi, hệ thống phân loại hàng hóa, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chưa có điều kiện đầu tư công nghệ hoặc đầu tư hệ thống kho bãi cũng có thể tham gia vào các thị trường ngách, quy mô nhỏ, chủng loại hàng đơn chiếc để phục vụ các doanh nghiệp bán lẻ, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội hoặc các nền tảng ứng dụng di động. Hoạt động trong những thị trường ngách như vậy sẽ vừa tầm với quy mô doanh nghiệp hơn vì các yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics đối với những khách hàng này cũng không quá cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực logistics cần có nhiều đột phá và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường hợp tác, kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu, quản lý tốt chuỗi cung ứng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa. Cụ thể, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành e-Logistics trong cuộc CMCN 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ.
Ngoài ra, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kỹ năng thực tế, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics. Theo khảo sát của VLA, chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics từ nay đến năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản khoảng 250.000 nhân sự để không những đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn làm việc được ở nước ngoài, nhất là trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Quy mô của ngành thương mại điện tử (e-commerce) ở Việt Nam năm 2020 ước tính lên đến 13,2 tỉ đô la, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15%. Với chi phí logistics ước tính chiếm khoảng gần 10% doanh thu của các doanh nghiệp thì doanh số của hoạt động logistics điện tử ở Việt nam trong những năm tới có thể sẽ đạt đến mức hàng tỉ đô la.