El Nino là một kiểu khí hậu tự nhiên thường liên quan đến việc tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, xảy ra trung bình cứ sau 2 đến 7 năm và mỗi đợt thường kéo dài từ 9 - 12 tháng. Các sự kiện El Nino thường liên quan đến lượng mưa tăng lên ở các vùng phía nam Nam Mỹ, miền nam nước Mỹ, vùng Sừng châu Phi và Trung Á. Nhưng đồng thời, El Nino cũng có thể gây hạn hán nghiêm trọng ở Australia, Indonesia và một số khu vực phía nam châu Á. Lần gần đây nhất El Nino xảy ra là vào năm 2018 - 2019.
Theo AFP, ở giai đoạn này, không có dấu hiệu nào để có thể dự báo cường độ hay thời gian của hiện tượng El Nino sắp tới. Đợt El Nino gần đây nhất được đánh giá yếu, nhưng lần trước đó, từ năm 2014 đến năm 2016, được coi là mạnh, với những hậu quả thảm khốc. Theo WMO, năm 2016 là "năm nóng nhất được ghi nhận do tác động kép của hiện tượng El Nino rất mạnh và sự nóng lên do con người gây ra từ khí nhà kính".
Do hiệu ứng El Nino đối với nhiệt độ toàn cầu thường diễn ra vào năm sau khi nó xuất hiện, nên tác động có thể sẽ rõ ràng nhất vào năm 2024, báo cáo cho biết. Vì vậy, "thế giới nên chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino", tổ chức WMO khuyến nghị, và cho rằng hiện tượng này có thể mang lại nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả "để đảm bảo an toàn cho mọi người".
Như một sự khởi đầu, theo hãng tin AP, các đại dương trên thế giới đã bất ngờ nóng hơn rất nhiều và tăng mạnh so với mức kỷ lục trong vài tuần qua. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhiệt độ mặt nước biển tăng nhanh là do điều kiện thời tiết ấm lên tự nhiên và hiện tượng El Nino xuất hiện. Những yếu tố này một phần là ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu ổn định, đang làm nóng vùng nước sâu dưới đại dương. Nếu đúng như vậy thì nhiệt độ đại dương có khả năng cao kỷ lục trong tháng này – xảy ra lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ qua.
Theo máy phân tích khí hậu của Đại học Maine, từ đầu tháng 3 đến tuần này, nhiệt độ mặt nước biển trung bình ở đại dương toàn cầu đã tăng khoảng 2/10 độ C. Con số nghe có vẻ nhỏ nhưng đối với mức trung bình của các đại dương trên thế giới – chiếm 71% diện tích Trái đất thì nhiệt độ đã tăng lên quá nhanh trong thời gian ngắn và đây là con số khổng lồ. “Đây được xem là khởi đầu đáng kinh ngạc so với trạng thái ấm áp kể từ khi bắt đầu”, nhà khoa học khí hậu Kris Karnauskas của Đại học Colorado cho biết.
Tại Việt Nam, nhiều nhà khoa học và chuyên gia khí tượng thủy văn cũng đưa ra cảnh báo, mùa hè năm nay sẽ có nắng nóng hơn các năm gần đây. TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết và biến đổi khí hậu, dẫn theo số liệu từ 12 mô hình khí hậu của ba trung tâm dự báo uy tín thế giới (GFS, ECMWF, CMC) cho hay, tháng cao điểm nắng nóng tại Việt Nam sẽ vào khoảng tháng 5, 6, và 7. Theo TS Huy, dữ liệu cập nhật cho thấy El Nino sẽ chiếm ưu thế từ tháng 5 năm nay.
Khả năng nước ta phải đối diện với hạn hán và nắng nóng. Từ cuối tháng 5 trở đi El Nino khả năng cao chiếm ưu thế dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn, thậm chí El Nino có thể kéo dài qua năm 2024. Nắng nóng gay gắt, nền nhiệt độ cao có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như say nắng, mất nước, kiệt sức vì nóng và chuột rút do nhiệt. Do đó, trong những tình huống như vậy, điều quan trọng là phải tuân theo tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn ngừa tác hại của nhiệt độ quá cao.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM), trong bối cảnh thời tiết nắng nóng tăng cao, nhiều trẻ nhỏ và những người lớn có hệ miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh như sốt siêu vi, sởi, quai bị hay tay chân miệng. Riêng đối với trẻ em, thời tiết nắng nóng có thể dễ khiến các bé bị các bệnh như viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa.
Vì vậy, bác sĩ Vinh khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài giữa trưa nắng. Nếu có việc cấp bách phải ra ngoài, mọi người cần sử dụng các phương tiện bảo hộ (như găng tay, mũ, áo khoác), thoa kem chống nắng để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Trời nắng nóng, cơ thể mất nhiều nước, mọi người cũng nên bổ sung thêm nước. Một số đối tượng như phải làm việc giữa trưa nắng như công nhân, giao hàng... nên uống 2,5 - 3 lít nước/ngày. Ngoài ra, mọi người có thể mua thêm chất điện giải như oresol để bù nước, bù khoáng cho cơ thể.
Một lưu ý quan trọng không kém cho người dân ở thời điểm này để phòng tránh các bệnh hô hấp là nên tự vệ sinh mũi họng. "Các sản phẩm vệ sinh mũi họng được bán nhiều tại các nhà thuốc tây. Mọi người có thể tự mua các dung dịch như nước biển sâu để tự rửa mũi ở nhà, nước súc họng để vệ sinh họng mỗi ngày", bác sĩ Vinh lưu ý.
3 ứng dụng giúp chủ động theo dõi nhiệt độ và chỉ số UV:
1. Accuweather: Ứng dụng này hiện đang được cung cấp miễn phí trên Google Play và App Store. Người dùng có thể theo dõi tình hình thời tiết theo từng khung giờ, theo ngày hoặc theo tháng. Khi bấm vào một mục bất kỳ, bạn sẽ biết được nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, chất lượng không khí và chỉ số UV. Cần nhớ, nếu chỉ số UV ở mức cao hơn 10, bạn nên hạn chế ra đường để tránh bị sốc nhiệt hoặc mắc các bệnh về da
2. Carrot Weather: Trước đây, Carrot Weather chỉ được phát hành độc quyền trên App Store, tuy nhiên hiện tại ứng dụng đã có phiên bản dành cho Android. Với việc tích hợp các tính năng AI, Carrot Weather cung cấp các dự báo hiện tại, hàng giờ và 7 ngày tới bằng nhiều bảng biểu đồ họa đẹp mắt, dễ nhìn.
3. UVlower: Với thiết kế rất tối giản, ứng dụng hiển thị dữ liệu về nhiệt độ và cường độ tia cực tím. Ứng dụng cũng dựa trên một loạt thông số có sẵn về các loại da khác nhau, từ đó đưa ra khoảng thời gian tối ưu để làm việc ngoài trời, phơi nắng hoặc tắm trên bãi biển.