April 06, 2023 | 08:49 GMT+7

Giới trẻ châu Á tốn tiền cho "ngành công nghiệp giấc ngủ"

Hoài Phương -

Căng thẳng từ công việc, lượng cà phê nạp vào và những thú vui giải trí trên internet đã khiến ngày càng nhiều người trẻ châu Á thiếu ngủ. Từ thực tế này, một nền kinh tế giấc ngủ, với dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ trực tuyến và ngoại tuyến bắt đầu ra đời…

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Theo SCMP, phân tích dữ liệu thu thập từ 450 triệu người Trung Quốc cho thấy hơn 36% dân số nước này mất ngủ thường xuyên - ba lần trên mỗi tuần. 36,7% trong đó là những người sinh sau năm 1990. Các nhà khoa học cũng cho biết khoảng 67,4% người tham gia khảo sát đã mua các sản phẩm cải thiện giấc ngủ, 62% sinh sau năm 1990.

Đằng sau nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cải thiện giấc ngủ như vậy là "dịch bệnh" mất ngủ kinh niên. "Các triệu chứng gồm khó đi vào giấc ngủ trong hơn nửa giờ, rối loạn duy trì giấc ngủ (thức dậy hơn hai lần một đêm), tỉnh sớm, giảm chất lượng giấc ngủ và tổng thời gian ngủ (ngủ dưới 6,5 giờ) kèm rối loạn chức năng ban ngày. Tình trạng rối loạn có triệu chứng điển hình là mệt mỏi, trầm cảm, khó chịu về tinh thần, thể chất, suy giảm nhận thức", Liu Hao, tổng thư ký hiệp hội y tế về giấc ngủ Giang Tây, cho biết.

Theo Kong Xiang, người sáng lập E-Sleep, công ty cung cấp các giải pháp chuyên nghiệp điều trị rối loạn giấc ngủ, áp lực công việc, thói quen ngủ không tốt và sử dụng thiết bị điện tử là thủ phạm khiến con người mất ngủ. Theo báo cáo trực tuyến do Viện Nghiên cứu Người tiêu dùng thực hiện, doanh thu của các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ dành cho Gen Z đã tăng gần 50% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đó. Quy mô thị trường tổng thể của "ngành công nghiệp giấc ngủ" tại Trung Quốc tăng từ 262 tỷ nhân dân tệ (38 tỷ USD) vào năm 2016 lên 378 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

Áp lực công việc, thói quen ngủ không tốt và sử dụng thiết bị điện tử là thủ phạm khiến con người mất ngủ.
Áp lực công việc, thói quen ngủ không tốt và sử dụng thiết bị điện tử là thủ phạm khiến con người mất ngủ.

Theo Zhang Bin, giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, người trẻ tuổi sẵn sàng chi mạnh tay cho giấc ngủ. Điều này có nghĩa người dân ngày càng coi trọng việc ngủ và tác động của nó đối với sức khỏe. Kong Xiang cho biết nhu cầu chung của thị trường đang chuyển từ theo dõi giấc ngủ sang các sản phẩm tăng cường giấc ngủ, từ sản phẩm công nghệ thấp sang công nghệ tiên tiến hơn.

"Khi nhu cầu có giấc ngủ chất lượng cao của khách hàng tăng lên, nền kinh tế giấc ngủ sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy tiêu dùng cho sức khỏe ở Trung Quốc", Wang Guangliang, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sản phẩm Giấc ngủ, cho biết.

Cũng tại châu Á, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang rơi vào tình cảnh họ có thể chợp mắt nghỉ ngơi ở bất cứ nơi đâu khi có cơ hội vì "đói ngủ". Thời gian ngủ trung bình của người Hàn Quốc là 7 giờ 41 phút trong năm 2016, ngắn hơn 41 phút so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia thành viên.

Các thống kê khác của OECD chỉ ra lý do đằng sau tình trạng thiếu ngủ kinh niên của xứ sở Kim chi. Người Hàn Quốc đã làm việc 1.967 giờ/năm vào năm 2019, nhiều hơn 241 giờ so với mức trung bình 1.726 giờ của OECD. Năm 2016, dân cư đất nước này cũng dành trung bình 58 phút để đi lại, lâu hơn đáng kể so với mức trung bình 28 phút của các quốc gia phát triển khác. Họ cũng sống trong môi trường không thuận lợi cho việc ngủ nướng. Ở Hàn Quốc, nơi hoàn hảo cho lối sống 24/7, mọi người có thể mua sắm, ăn uống gần như cả đêm vì nhiều cơ sở kinh doanh mở cửa muộn.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang rơi vào tình cảnh họ có thể chợp mắt nghỉ ngơi ở bất cứ nơi đâu khi có cơ hội vì "đói ngủ".
Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang rơi vào tình cảnh họ có thể chợp mắt nghỉ ngơi ở bất cứ nơi đâu khi có cơ hội vì "đói ngủ".

"Ngủ ít hơn một giờ so với nhu cầu có thể làm giảm 30% chức năng não cũng như năng suất. Nếu điều đó được quy đổi ra giá trị kinh tế, giấc ngủ có thể lên tới hàng nghìn tỷ won/năm", Han Jin-kyu, bác sĩ tại phòng khám chuyên về giấc ngủ ở Seoul, nói với tờ Koreaherald. Theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia ở Hàn Quốc, khoảng 720.000 người gặp một số vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ vào năm ngoái, tăng từ 420.000 người vào năm 2014. 

Theo Hiệp hội Công nghiệp Giấc ngủ Hàn Quốc, trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ giấc ngủ như chăn ga gối đệm, dầu thơm hoặc ứng dụng, thị trường liên quan đến giấc ngủ của xứ sở kim chi đạt 3 nghìn tỷ won vào năm 2021, tăng vọt so với mức 480 tỷ won của một thập kỷ trước đó.

Tương tự, giới trẻ Nhật Bản cũng thiếu ngủ nghiêm trọng. Theo Nikkei Asia, trung bình người Nhật ngủ 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ít hơn một giờ so với mức trung bình 8 giờ 24 phút của các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Hãng Rand Corporation của Mỹ ước tính thiệt hại kinh tế do thiếu ngủ tại Nhật Bản vào khoảng 15.000 tỉ Yên mỗi năm, khoảng 117 tỉ đô la.

Triết lý về giấc ngủ của người Nhật có vẻ khác phương Tây. Thị trường công nghệ hỗ trợ giấc ngủ vì thế lại đa dạng hơn. Hãng điện tử Panasonic đã bán ra thị trường mẫu máy lạnh Eolia Sleep đi kèm với một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điện thoại được đặt gần gối của người ngủ sẽ phát hiện khi nào người đó ngủ bằng cách theo dõi các yếu tố như tần suất trở mình. Một cảm biến bên cạnh giường sẽ đo nhiệt độ và độ ẩm ở khu vực xung quanh đầu, điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hòa. Sản phẩm có thể kết nối với các sản phẩm chiếu sáng của Panasonic.

Ước tính thiệt hại kinh tế do thiếu ngủ tại Nhật Bản vào khoảng 15.000 tỉ Yên mỗi năm, khoảng 117 tỉ đô la.
Ước tính thiệt hại kinh tế do thiếu ngủ tại Nhật Bản vào khoảng 15.000 tỉ Yên mỗi năm, khoảng 117 tỉ đô la.

Trong khi đó, hãng sản xuất máy điều hòa Daikin Industries đang nghiên cứu cách đánh thức dễ chịu hơn. Máy sẽ theo dõi vị trí khuôn mặt của người ngủ bằng cách sử dụng cảm biến nhiệt trên trần nhà và thổi một luồng không khí vào mặt người ngủ, tạo “cảm giác được vuốt ve nhẹ nhàng”. Daikin đã sử dụng công nghệ này kết hợp với ánh sáng của nhà sản xuất gốm sứ Kyocera, mô phỏng ánh sáng mặt trời. Kết quả thử nghiệm trên 20 sinh viên Đại học Tohoku cho thấy họ tỉnh táo hơn sau khi thức dậy so với cách cổ điển là dùng đồng hồ báo thức.

Tuy nhiên, Nikkei Asia nói rằng các công ty Nhật Bản đang tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài trong việc phát triển loại thiết bị như đồng hồ đeo tay. Startup ACCELStars ở thành phố Kurume, miền tây Nhật Bản đang nghiên cứu một loại đồng hồ đeo tay điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, dự kiến có thể bán cho các cơ sở y tế trong năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngành sleep tech nói rằng rất khó giải quyết một cách cơ bản các vấn đề về giấc ngủ nếu chỉ sử dụng các sản phẩm vật lý. Thay vào đó, để giải quyết cơ bản các vấn đề về giấc ngủ, mọi người cần thay đổi cách họ nghĩ về giấc ngủ, bao gồm cả nhận thức về sử dụng thời gian ban ngày và các hoạt động trước khi ngủ có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate