Tesla thậm chí có thể không phải nộp thuế liên bang trong thương gần, dù công ty này vừa có một năm lãi lớn nhất từ trước tới nay. Năm 2021, Tesla ghi nhận thu nhập ròng 5,5 tỷ USD.
VẤN ĐỀ MANG TÍNH "ĐA QUỐC GIA" CỦA MỸ
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính thường niên gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, hãng này nói rằng rằng hoạt động tại Mỹ của mình lỗ 130 triệu USD và toàn bộ lợi nhuận trước thuế - hơn 6 tỷ USD - của mình đến từ hoạt động ở nước ngoài, dù 45% doanh thu của công ty đến từ thị trường Mỹ.
Mặc dù Tesla cho biết tiền thuế họ phải nộp ở nước ngoài lên tới 839 triệu USD, hóa đơn thuế tại bang mà công ty này đặt trụ sở chỉ là 9 triệu USD, còn hóa đơn thuế liên bang bằng 0.
“Việc này thách thức lẽ thường nhưng phải điều lạ với thông lệ về thuế doanh nghiệp ở Mỹ”, Martin Sullivan, nhà kinh tế trưởng tại Tax Analysts và cũng là một chuyên gia về thuế doanh nghiệp tại Mỹ, nhận xét.
Ông Sullivan tin rằng khoản lỗ 130 triệu USD trong hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Tesla là do một thông lệ phổ biến với các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Trong đó, họ cơ cấu hoạt động của mình để các chi nhánh ở nước ngoài mới là những đơn bị báo cáo thu nhập, còn trụ sở tại Mỹ chỉ có ít hoặc không có thu nhập chịu thuế.
Ví dụ, một công ty có thể chuyển nhượng tài sản trí tuệ của mình cho một trong những pháp nhân ở nước ngoài đó và tính phí sử dụng tài sản trí tuệ này cho đơn vị tại Mỹ. Do đó, hoạt động ở nước ngoài thường có lợi nhuận lớn, trong khi công ty ở Mỹ - tự gánh “chi phí” của toàn bộ hoạt động – thường báo lỗ hoặc lợi nhuận thấp.
“Đây là vấn đề mang tính đa quốc gia của Mỹ. Một việc rất phổ biến và hầu như không phạm pháp”, ông Sullivan nói.
Một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy 61% lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia Mỹ được báo cáo tại 7 nước gồm Bermuda, Caymans, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Singapore và Thụy Sỹ - những nơi thường được mệnh danh là “thiên đường né thuế” (tax havens). Đó là một thực tế mà nhiều quan chức mới đắc cử và chính quyền của Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ giải quyết.
"Tesla và các tập đoàn khổng lồ khác từ lâu đã dùng các trò gian lận và lợi dụng sơ hở để tránh phải nộp thuế - điều phải được ngăn chặn. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đang nỗ lực để chấm dứt việc cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa với những tập đoàn chuyển lợi nhuận và việc làm ra nước ngoài”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người thường xuyên chỉ trích ông Musk về vấn đề thuế, nói.
Tuy nhiên, theo CNN, Quốc hội Mỹ đến nay chưa có hành động nào để ngăn chặn tình trạng trên. Hãng này cũng chỉ ra rằng báo cáo tài chính của Tesla không nêu chính xác những hoạt động của họ ở nước ngoài, như các quốc gia mà công ty có lợi nhuận.
"LỢI ÍCH" CỦA VIỆC LỖ TRIỀN MIÊN
Mặt khác, nếu nhìn vào những hỗ trợ về tài chính lớn cho ngành ô tô điện của Chính phủ mà Tesla từ lâu nhận được, công ty này thậm chí không cần dùng chiêu “vỏ bọc” nói trên để khấu trừ lợi nhuận ở Mỹ. Thay vào đó, hãng này hoàn toàn có thể tận dụng các khoản lỗ lớn những năm qua để tránh nộp thuế.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng đây lại là một thông lệ phổ biến cho những doanh nghiệp thua lỗ: Khấu trừ khoản lỗ trong quá khứ cho hóa đơn thuế trong tương lai.
Nhiều hãng công nghệ lớn, như Amazon, từng thua lỗ nhiều năm trước khi bắt đầu có lãi đã tận dụng điều này. Nhờ vậy, nhiều công ty có vấn đề về tài chính – như tất cả các hãng hàng không của Mỹ, có thể sẽ không phải nộp thuế trong nhiều năm nữa bởi họ đã báo lỗ nhiều tỷ USD trong suốt đại dịch Covid-19, dù họ nhận được hỗ trợ hàng tỷ USD từ Chính phủ liên bang.
Tương tự, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, các đối thủ của Tesla như General Motors (GM) và Chrysler từng lỗ lớn đến mức đã cần tới gói giải cứu của Chính phủ. Mặc dù vậy, khi có lãi trở lại, cả hai công ty này đều không phải nộp thuế trong nhiều năm.
Tesla đã báo lỗ trong hơn một thập kỷ trước khi bắt đầu có lãi ròng trong năm 2020. Đây là những khoản lỗ thực do chi phí phát triển và sản xuất xe điện trong những năm đầu lớn hơn nhiều so với doanh thu bán hàng. Công ty này chấp nhận lỗ nhiều năm với kỳ vọng sẽ có lãi trong tương lai khi nhu cầu tăng lên và chi phí giảm. Cùng với việc này, Tesla cũng tích lũy được một lỗ lớn để sử dụng cho các hóa đơn thuế trong tương lai.
Tuy nhiên, Tesla cho biết đã không sử dụng bất kỳ khoản lỗ nào trước đây để khấu trừ thuế, trong báo cáo tài chính năm 2021 và chưa quyết định sẽ làm vậy trong tương lai hay không.
HÓA ĐƠN THUẾ KHỔNG LỒ CỦA ÔNG CHỦ TESLA
Trong khi đó, ông chủ Tesla lại đối mặt hóa đơn thuế khổng lồ. Musk từng được biết đến là dùng thủ thuật để chỉ phải nộp ít hoặc không nộp thuế thu nhập liên bang.
Theo một báo cáo từ ProPublica, năm 2018, Musk và nhiều người giàu nhất tại Mỹ đã không phải nộp thuế thu nhập. Trong trường hợp của Musk, ông không nhận lương từ Tesla mà chỉ nhận quyền chọn mua cổ phiếu Tesla (với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường) dưới dạng phần thưởng dựa kết kết quả hoạt động kinh doanh của công ty và giá cổ phiếu. Và theo luật thuế Mỹ, ông không phải nộp thuế cho những quyền chọn này cho đến khi ông sử dụng chúng để mua cổ phiếu. Ông cũng sẽ phải nộp thuế nếu như bán số cổ phiếu mà ông nắm giữ từ những khoản đầu tư ban đầu vào Tesla – điều được cho là khó xảy ra. Tuy nhiên, vào năm ngoái, ông đã làm vậy.
Musk, hiện là người giàu nhất thế giới, đang sở hữu quyền chọn mua 22,9 triệu cổ phiếu Tesla sẽ hết hạn vào tháng 8/2022. Do đó, ông đã bắt đầu dùng quyền chọn để mua cổ phiếu vào cuối năm ngoái.
Tổng cộng, ông đã chi 142,6 triệu USD để mua số cổ phiếu trị giá 23,6 tỷ USD. Theo đó, thu nhập chịu thuế của ông là 23,5 tỷ USD trong năm 2021 và thuế suất thu nhập lên bang là khoảng 41%.
Ông Musk cũng đã phải bán một phần nhỏ số cổ phiếu mà ông nắm giữ từ những ngày đầu, theo đó có 5,8 tỷ USD thu nhập chịu thuế và chịu mức thuế thu nhập thấp hơn.
Tính chung, tỷ phú này có thể phải nộp thuế liên bang gần 11 tỷ USD – con số được ông nhắc đến trong một đăng tải trên Twitter gần đây.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, Musk đã nhận được thêm 8,4 triệu quyền chọn mua cổ phiếu, đưa tổng số quyền chọn chưa sử dụng của ông lên 67,5 triệu. Số quyền chọn sẽ hết hạn vào năm 2028, do đó muộn nhất phải 5 năm nữa ông mới bắt đầu sử dụng, trừ phi ông rời khỏi công ty trước lúc đó.
Hiện tại, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, trong đó có Elizabeth Warren, Bernie Sanders và Ron Wyden, đang đề xuất đánh thuế các cá nhân giàu có tại Mỹ dựa trên tài sản của họ, thay vì chỉ dựa trên thu nhập như hiện nay. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này chưa được thông qua.