VN-Index đang tăng 0,88 điểm ở lệnh khớp cuối cùng trong đợt liên tục, đã đổ gục giảm 1,79 điểm ở đợt ATC. VIC, CTG, MSN, MWG và nhiều cổ phiếu khác thay đổi giá đột ngột là nguyên nhân chính.
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 có chút ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu các chỉ số cơ sở trên HoSE của các quỹ ETF nội. Thị trường giao dịch chậm lại đáng kể trong buổi chiều và giá cổ phiếu suy yếu nhẹ. Tuy nhiên phải đến đợt ATC thì lực bán cộng hưởng mới đổi màu của các chỉ số.
Thay đổi đáng kể nhất và có ảnh hưởng nhất là VIC. Cổ phiếu nay rơi 3,61% riêng trong đợt ATC, nâng tổng mức giảm cả ngày lên tới 4,48%. Chỉ riêng VIC đã lấy đi xấp xỉ 2,9 điểm từ VN-Index. Khoảng 1,16 triệu VIC đã được chuyển nhượng riêng trong lần khớp đóng cửa, chiếm 61% tổng thanh khoản cả ngày. Đó là áp lực rất lớn.
VIC giảm cực mạnh đã đánh thủng hoàn toàn nền giá có được trong tháng 7 và tụt xuống mức 64.000 đồng/cổ phiếu, tức là tương đương với đáy hồi cuối tháng 3/2020. Tại ngày 24/3/2020, VIC đóng cửa giá thấp nhất 63.600 đồng (theo giá điều chỉnh). Giá thấp nhất mà VIC chạm tới trong tháng 3/2020 là 60.500 đồng ngày 25/3.
Ngoài VIC, một số mã khác cũng có biến động giá đột ngột đặc trưng của các đợt ETF giao dịch. MSN giảm 3,46%, CTG giảm 1,45%, MWG giảm 1,61% đều là thay đổi rất mạnh ở lần giao dịch cuối.
Do lực ép khá lớn xuất hiện nên VN-Index từ tăng chuyển sang giảm 1,79 điểm tương đương 0,15% so với tham chiếu. Tuy vậy, đà suy yếu đã có trong phần lớn thời gian buổi chiều. VN-Index có thêm một nhịp tăng trong khoảng 40 phút đầu phiên chiều, sau đó trượt giảm dần và đến hết đợt khớp lệnh liên tục, mức tăng không còn bao nhiêu.
Lực bán là khá rõ khi nhìn qua độ rộng của chỉ số này. Khi VN-Index đạt mức cao nhất buổi chiều lúc 1h40, độ rộng ghi nhận 222 mã tăng/199 mã giảm, tỷ lệ yếu hơn so với thời điểm cuối phiêng sáng (210 mã tăng/201 mã giảm). Đến khoảng 2h số mã tăng và giảm đã bằng nhau và trước khi bước vào đợt ATC, độ rộng là 175 mã tăng/242 mã giảm. Kết phiên, VN-Index có 189 mã tăng/239 mã giảm.
Như vậy giá cổ phiếu đã suy yếu và tụt dần qua tham chiếu. Đặt trong bối cảnh thanh khoản chiều nay khá chậm, có thể là bên mua đã thoái lui. HoSE phiên chiều chỉ giao dịch thành công 5.910 tỷ đồng, giảm 16% so với phiên sáng và cổ phiếu thì tụt giá.
VN30-Index đóng cửa cũng giảm 0,33% so với tham chiếu, nhưng độ rộng thì cân bằng 15 mã tăng/15 mã giảm. Lý do là sức ép lớn từ VIC, MSN, FPT, TPB, MWG, VJC, HDB. Trừ 2 mã đầu tiên trong số này, các cổ phiếu còn lại có vốn hóa lớn trong VN30-Index nhưng lại rất nhỏ trong VN-Index. Do đó độ rộng tuy tốt, nhưng VN30 lại mất điểm nhiều hơn chỉ số chính.
Một số blue-chips tăng giá tốt nhưng chưa đủ lớn để cân bằng chỉ số là VHM tăng 1,87%, BVH tăng 2,12%, SAB tăng 4,05%, BID tăng 2,19%, TCB tăng 1,61%...
Dù thị trường chung điều chỉnh cả về chỉ số lẫn độ rộng, nhưng vẫn có nhiều mã đi ngược dòng tốt. Tính theo nhóm ngành, cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán tăng khá nhất và đều nhất. Có 14/27 mã trong nhóm ngân hàng đóng cửa trên tham chiếu, rất tiếc là VCB, CTG, hai mã rất lớn lại giảm. Cổ phiếu chứng khoán vẫn có VDS và DSC kịch trần, VCI tăng 4,11%, BSI tăng 3,26%, FTS tăng 1,44%, CTS tăng 1,37%, VND tăng 1,33%...
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu cụ thể vẫn đi ngược dòng hoành tráng, dù không đại diện cho nhóm ngành. 7 mã ở HoSE tăng kịch trần, 45 mã tăng trên 2%. Nhiều cổ đạt thanh khoản tốt với giá tăng cao như ASM tăng 4,41% thanh khoản 92,6 tỷ đồng; VCI tăng 4,11% thanh khoản 322,9 tỷ; BCG tăng 3,74% thanh khoản 118,6 tỷ; GEX tăng 2,91% thanh khoản 293,3 tỷ...
Khối ngoại bán ròng nhẹ 5,9 tỷ đồng trong phiên hôm nay với NVL bị xả ròng tới 294,8 tỷ đồng, DGC -64,6 tỷ, VHM -35,2 tỷ. Phía mua có SSI +132,4 tỷ, KBC +70,5 tỷ, NLG +49,5 tỷ, STB +57,4 tỷ, DXG +49,9 tỷ.