Trong phiên giao dịch ngày 28/7, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp khi cả ba chỉ số chính đều tăng hơn 1%.
Dữ liệu mới công bố cho thấy tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ giảm và điều này khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không tăng lãi suất mạnh tay như một số người lo ngại. Hai quý suy giảm liên tiếp đồng nghĩa với nền kinh tế đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 332,04 điểm, tương đương 1,03%, lên 32.529,63 điểm. Trong khi S&P 500 tăng 48,82 điểm, tương đương 1,21%, lên 4.072,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 130,17 điểm lên 12.162,59 điểm, tương đương mức tăng 1,08%. Nasdaq đã có 2 phiên tăng điểm tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ ngày 27/5.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau khi dữ liệu GDP được công bố. Trong các nhóm ngành của số S&P 500, lĩnh vực tiện ích và bất động sản đều có phiên tăng điểm tốt nhất. Cả hai lĩnh vực này đều có xu hướng tăng khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm.
“Lợi suất trái phiếu giảm có thể cho thấy rằng Fed sẽ phải điều chỉnh động thái và giảm lãi suất với các bước nhảy nhỏ hơn trong 12 tháng tới”, chiến lược gia đầu tư cấp cao Mona Mahajan tại Edward Jones nhận định.
Ngoài ra, dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 2 tuần này cũng tăng lên khi có nhiều công ty trong chỉ số S&P 500 báo cáo kết quả và vượt dự báo của các nhà phân tính. Nằm trong số này, giá cổ phiếu Ford Motor đã tăng 6,1% sau khi báo lợi nhuận ròng quý 2 vượt dự báo.
Trong phiên giao dịch ngoài giờ, giá cổ phiếu Amazon cũng tăng hơn 12% khi hãng thương mại điện tử này báo doanh thu quý vượt dự báo của Phố Wall. Trong giờ giao dịch chính thức, mã này tăng 1,1%. Còn cổ phiếu Apple cũng tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngoài giờ nhờ kết quả kinh doanh tốt.
Nằm trong nhóm cổ phiếu đi ngược xu hướng thị trường là Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram. Mã này sụt 5,2% giá trị sau khi công ty công bố doanh thu quý giảm đầu tiên trong lịch sử.
Vào lúc đầu phiên giao dịch, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bất ngờ sụt giảm trong quý 2 – quý giảm thứ hai liên tiếp. Thông tin này làm tăng khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trên đỉnh suy thoái. Một số nhà đầu tư cho rằng điều này có thể sẽ khiến ngăn Fed tiếp tục tăng lãi suất với các bước nhảy lớn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Trong phiên giao dịch ngày hôm trước (26/7), sau quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed và những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell, tâm lý lo sợ việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh đã được giải tỏa phần nào.
“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư mua vào bởi vì họ nghĩ rằng ít nhất sẽ không có bất ngờ lớn nào đối với sự bảng cân đối kế toán của Fed trong mùa hè này”, ông Alan Lancz, chủ tịch hãng tư vấn đầu tư Alan B. Lancz & Associates Inc tại Toledo, Ohio (Mỹ), nhận xét.
Trong tháng 6, Fed cũng đã tăng lãi suất 0,75 điểm cơ bản, sau hai lần tăng với biên độ nhỏ hơn vào tháng 5 và tháng 3 – loạt động thái nằm trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm.
Trước đó, giới đầu tư lo rằng lạm phát và việc tăng lãi suất mạnh của Fed có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trên thị trường năng lượng, giá các loại dầu diễn biến trái chiều do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, bù đắp cho tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm và sự phục hồi của tiêu thụ xăng.
Giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent tăng 52 Cent lên 107,14 USD/thùng. Trong phiên hôm trước, giá này tăng 2,22 USD. Trong khi đó, dầu WTI Mỹ giảm 84 Cent xuống còn 96,42 USD/thùng sau khi tăng 2,28 USD phiên hôm trước.
Giá dầu đều bật tăng trong phiên giao dịch buổi sáng sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong quý 2 cũng tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 2 năm. Chi tiêu của doanh nghiệp cũng đi xuống.
“Khi nhìn vào các con số suy thoái, nếu có sự suy giảm tăng trưởng ở thời điểm này thì đó là sự suy giảm nhỏ. Nếu nhìn vào lượng cung và cầu dầu, chúng ta đang ở mức trung bình về nguồn cung và nhu cầu được dự báo sẽ tăng tốt hơn so với dự báo”, nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures, nhận xét.
Từ ngày 26/7, các nhà đầu tư đã tập trung sự chú ý đối với đầu Mỹ khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 4,5 triệu thùng trong tuần trước, gấp hơn 4 lần dự báo, trong khi nhu cầu xăng tăng 8,5% so với tuần trước.
Các nhà phân tích nhận định giá dầu có thể được hỗ trợ thêm nữa từ “cuộc chiến năng lượng” giữa Nga và phương Tây. Các nền kinh tế G7 đang nhắm tới cơ chế áp giá trần đối với dầu Nga vào ngày 5/12 tới.
Nga đã giảm cung ứng khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất. Động thái tương tự được dự báo có thể xảy ra với dầu thô và sẽ đẩy giá dầu tăng lên trong ngắn hạn.