May 04, 2022 | 15:42 GMT+7

EU chuẩn bị gói trừng phạt mới, đặt thời hạn dừng nhập dầu Nga

Phương Linh -

Tâm điểm của gói trừng phạt mới của EU là đề xuất các nước thành viên EU dừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và sẽ không mua thêm sản phẩm dầu tinh chế từ Nga vào cuối năm nay...

Biểu tình ở Brussels, Bỉ ngày 22/3/2022 kêu gọi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga - Ảnh: Getty Images
Biểu tình ở Brussels, Bỉ ngày 22/3/2022 kêu gọi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga - Ảnh: Getty Images

Theo một số quan chức Liên minh châu Âu (EU), khối này đã đưa ra một loạt đề xuất trong gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga theo giai đoạn.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell là quan chức EU đầu tiên tiết lộ về các phần chính của gói trừng phạt thứ 6 do cơ quan điều hành khối - Ủy ban châu Âu (EC) - soạn thảo. Những đề xuất này đã được chuyển tới các quốc gia thành viên vào tối muộn ngày 3/5.

CÚ ĐÁNH TRỰC DIỆN VÀO NỀN KINH TẾ NGA

Tâm điểm của gói trừng phạt mới này là đề xuất các nước thành viên EU đặt ra thời hạn 6 tháng cho việc bắt đầu dừng nhập khẩu dầu thô của Nga, theo đó sẽ không mua thêm sản phẩm dầu tinh chế từ Nga vào cuối năm nay - WSJ dẫn nguồn 2 quan chức thân cận với kế hoạch cho biết.

Tuy nhiên, theo đề xuất nói trên, Hungary và Slovakia, hai quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ nhập khẩu qua các đường ống dẫn dầu, sẽ được cho thời hạn giảm dần nhập khẩu dầu Nga trong vòng 20 tháng.  

27 quốc gia thành viên EU dự kiến thảo luận về đề xuất này trong ngày 4/5 và có thể đưa ra quyết định trong tuần này, dù vẫn còn nhiều bất đồng về một số biện pháp trừng phạt. Gói trừng phạt chỉ có thể được thông qua khi nhận được sự đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên.

“Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu. Chúng tôi đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 6, trong đó loại bỏ nhiều ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, trừng phạt những đối tượng tung thông tin sai lệch và giải quyết vấn đề nhập khẩu dầu mỏ”, ông Borrell nói trên Twitter.

Việc EU tiến tới cấm nhập khẩu dầu Nga đánh dấu bước leo thang trừng phạt đáng kể của khối này nhằm vào Moscow bởi xuất khẩu dầu mỏ đóng vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, việc này cũng có thể khiến EU phải trả giá đắt bởi khối này phụ thuộc lớn vào dầu mỏ của Nga để phục vụ hoạt động vận tải, sưởi ấm, sản xuất điện và sản xuất công nghiệp.

Các đề xuất của EU được đưa ra sau khi hai quốc gia thành viên là Bulgaria và Ba Lan bị Nga ngừng cung cấp khí đốt. Điều này cũng phản ánh nhận định của các quan chức phương Tây rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ giảm quy mô hoạt động quân sự tại Ukraine.

Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel tại Brussels, trước khi Moscow tấn công Ukraine, EU mỗi ngày nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu của Nga và thanh toán gần 400 triệu USD. Con số này tương đương 27% lượng dầu mỏ mà khối này nhập khẩu. Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 45% thu ngân sách của Chính phủ Nga năm 2021.

Trong gói trừng phạt mới, EC cũng đề xuất các nước thành viên áp đặt trừng phạt với 3 ngân hàng Nga, trong đó có Sberbank – nhà băng lớn nhất nước này. Tuy nhiên, trừng phạt không bao gồm việc ngừng giao dịch với các ngân hàng này, mà chỉ loại bỏ họ ra khỏi hệ thống SWIFT. Giới phân tích nhận định việc này có thể ảnh hưởng đáng kể tới khả năng thực hiện và nhận thanh toán quốc tế của các ngân hàng này nhưng không mấy hiệu quả so với việc cấm giao dịch hoàn toàn – điều có thể khiến họ bị cô lập khỏi thị trường quốc tế.

EC cũng đề xuất tiếp tục loại trừ ngân hàng Gazprombank khỏi các biện pháp trừng phạt bởi các nước thành viên EU vẫn đang thanh toán khí đốt nhập khẩu của Nga thông qua nhà băng này.

LIỆU CÓ TÌM ĐƯỢC TIẾNG NÓI CHUNG?

Theo giới ngoại giao, nhiều điểm trong gói trừng phạt mới có thể đối mặt tranh cãi dù đã có sự đồng thuận rộng rãi về việc cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.

Hungary trước đó đã nhiều lần cảnh báo rằng nước này có thể phủ quyết gói trừng phạt nhằm vào dầu mỏ bởi họ không có đủ thời gian và sự hỗ trợ tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để không còn phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. Ít nhất 2 quốc gia EU khác là Cộng hòa Séc và Bulgaria cho rằng nếu Hungary và Slovakia có thêm thời gian để ngừng nhập khẩu dầu của Nga thì họ cũng nên được như vậy.

Hungary và Slovakia đều nằm trên tuyến đường của ống dẫn dầu Druzhba – vận chuyển dầu từ Nga sang châu Âu. Nga cũng chiếm một phần lớn trong nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của hai quốc gia này.

Về những biện pháp trừng phạt khác, trong khi một số quốc gia EU kêu gọi áp đặt trừng phạt toàn phần đối với Sberbank và các ngân hàng khác của Nga, một số nước khác - bao gồm Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine - không thuộc EU, thúc giục khối này tiến tới áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn năng lượng từ Nga, bao gồm cả khí đốt.

Tuy nhiên, theo nhiều quan chức EU, với việc Đức và một số nước khác đang nhanh chóng giảm lượng dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga, gói trừng phạt thứ 6 có thể được thông qua trong vài ngày tới.

EU vẫn chia rẽ dù cơ bản ủng hộ việc dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga - Ảnh: Getty Images
EU vẫn chia rẽ dù cơ bản ủng hộ việc dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga - Ảnh: Getty Images

Tuần trước, Chính phủ Đức cho biết đang đẩy nhanh tiến trình giảm phụ thuộc vào dầu mỏ Nga bằng việc ký các hợp đồng cung ứng dầu mới. Berlin nói rằng Nga hiện chỉ chiếm 12% kim ngạch nhập khẩu dầu của nước này, giảm từ mức 35% trước khi Moscow tấn công Ukraine hôm 24/2. Ngoài ra, Đức cũng giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga xuống còn 35%, từ mức 55%. Đức đang nhanh chóng thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga bằng nguồn cung từ Mỹ, Na Uy và các nước vùng Vịnh.

“Mục tiêu của chúng ta rất đơn giản: Chúng ta phải phá vỡ cỗ máy chiến tranh của Nga”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói về các biện pháp trừng phạt. “Tôi tin rằng Hội đồng sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, đặc biệt với dầu mỏ của Nga”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate