Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/3 cảnh báo các nước phương Tây rằng những nỗ lực của họ nhằm cô lập Moscow sẽ thất bại. Dẫn ví dụ về thành công của chương trình vũ trụ của Liên Xô trong bối cảnh bị trừng phạt và cô lập trước đây, Tổng thống Nga khẳng định rằng Moscow có thể đạt được những bước tiến ngoạn mục trong hoàn cảnh khó khăn.
Kỷ niệm 61 năm kể từ khi phi hành gia Yuri Gagarin của Liên Xô ghi tên tuổi vào sử sách khi trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, ông Putin đã tới thăm sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông của Nga, cách Moscow 5.550 km về phía Đông.
“Các biện pháp trừng phạt và sự cô lập là toàn diện nhưng Liên Xô vẫn đi đầu trong lĩnh vực vũ trụ”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không bị cô lập. Trong thế giới hiện đại, việc cô lập nghiêm ngặt bất kỳ quốc gia nào là bất khả thi, đặc biệt là với một đất nước rộng lớn như Nga”.
Theo Reuters, những thành công trong lĩnh vực vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh của Nga như chuyến bay của Gagarin và vụ phóng Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên từ trái đất năm 1957, có ý nghĩa đặc biệt đối với Nga: cả hai sự kiện đều gây sốc cho Mỹ. Việc Nga phóng Sputnik 1 đã thúc đẩy Washington thành lập Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để theo kịp Moscow.
Ông Putin cho biết “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine là cần thiết bởi Mỹ đang dùng Ukraine để đe dọa Nga – đặc biệt thông qua liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Chắc chắn Nga sẽ đạt được tất cả các mục tiêu của mình ở Ukraine. Các mục tiêu của chiến dịch vô cùng rõ ràng và cao cả”, ông Putin phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm. “Nga sẽ tiếp tục chiến dịch một cách nhịp nhàng và bình tĩnh nhưng kết luận chiến lược quan trọng nhất là trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ xây dựng sau chiến tranh lạnh đang tan vỡ”.
Tổng thống Nga khẳng định Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu bởi nước này phải bảo vệ những người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và ngăn chặn quốc gia láng giềng trở thành “bàn đạp” cho những nước chống lại Nga.
Trước đó, năm 2014, Moscow tiến hành sáp nhập vùng Crimea của Ukraine. Ngày 21/2 năm nay, Moscow tuyên bố công nhận 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine - Donetsk và Lugansk, ba ngày trước khi triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quốc gia láng giềng. Ngay sau đó, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin ngày 12/4 nói rằng nền kinh tế Nga đang trên đà suy giảm hơn 10% trong năm 2022 – mức giảm tổng sản phẩm nội địa (GDP) lớn nhất kể từ những năm sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Theo ước tính của Nikkei Asia và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, nếu Nga phải ngừng xuất khẩu hoàn toàn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế nước này có thể thiệt hại 460 tỷ USD. Con số này, bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ, tương đương 28% tổng sản phẩm nội địa (GDP) danh nghĩa của Nga.
Dù đây là con số khó thành hiện thực do thiếu các biện pháp trừng phạt đồng bộ trên toàn cầu, nhưng vẫn có thể hiện thực hoá và sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc các quốc gia phương Tây có thể giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga hay không. Các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến năng lượng, bao gồm dầu mỏ và khí đốt, chiếm khoảng một nửa con số trên. Phần còn lại là các mặt hàng dùng làm nguyên liệu trong sản xuất như thép, kim loại quý và gỗ xẻ.
Cùng tham gia chuyến thăm sân bay vũ trụ với ông Putin là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
"Tại sao chúng ta lại phải lo lắng về những biện pháp trừng phạt này?" truyền hình nhà nước Nga dẫn lời ông Lukashenko.
Ông Lukashenko, người có quan điểm tương đồng với Tổng thống Nga trong một loạt vấn đề, nhấn mạnh rằng Belarus phải tham gia vào các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột ở Ukraine, đồng thời nói rằng Belarus đã bị đối xử bất công khi bị chỉ trích trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.