Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp bộ trưởng ngoại giao của 27 nước thành viên EU ngày 16/12.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), động thái này đánh dấu lần đầu tiên EU đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Trước đó, một số thực thể của Trung Quốc đại lục và ở Hồng Kông bị đưa vào một “danh sách đen” cấm mua hàng nhạy cảm từ EU nhưng chưa từng có tổ chức hay cá nhân nào bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp trên, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, bà Kaja Kallas, cho biết có thể sẽ có thêm các lệnh trừng phạt với Trung Quốc.
“Trung Quốc phải trả giá khi giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta phải rất rõ ràng trong vấn đề này và phải cho thấy sự đoàn kết của mình”, bà Kallas phát biểu.
Bà cho biết trong chuyến thăm gần đây của bà Kallas tới Ukraine, các quan chức Kyiv nói rằng Trung Quốc “đang cung cấp vệ tinh sử dụng để vận hành máy bay không người lái quân sự cho Nga".
“Tôi chưa kiểm tra xem thông tin này có chính xác hay không, nhưng đó là những gì phía Ukraine nói. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta phải rất rõ ràng trong quan điểm rằng những người giúp đỡ cho cuộc chiến sẽ phải trả giá”, bà nhấn mạnh.
Danh sách trừng phạt trên bao gồm 1 cá nhân và 6 doanh nghiệp Trung Quốc được cho là đang giúp các công ty có liên quan tới quân đội Nga lách trừng phạt của EU.
Trong đó, cá nhân có tên là Sophia Li Xiaocui, một nữ doanh nhân bị cáo buộc hỗ trợ công ty Nga Unimatik thông qua việc cung cấp hàng hóa xuất xứ EU nằm trong diện bị kiểm soát xuất khẩu. Unimatik hiện cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU và được mô tả là một “nhân tố chính” trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.
Trong số các doanh nghiệp bị trừng phạt, 2 cái tên liên quan tới bà Li gồm ARCLM International Trading Co, có trụ sở tại Hồng Kông và Shijiazhuang Hanqiang Technology Co, có trụ sở tại Trung Quốc đại lục.
4 doanh nghiệp còn lại bị trừng phạt vì “cung cấp linh kiện máy bay không người lái và linh kiện vi điện tử nhạy cảm cho ngành công nghiệp quân sự của Nga, hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine”.
Trong số này có Asia Pacific Links, công ty có trụ sở tại Hồng Kông thuộc sở hữu của công dân Nga Anton Trofimov. Công ty này được mô tả là “nhà cung cấp linh kiện vi điện tử lớn nhất cho các công ty Nga kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra”. Ba công ty còn lại gồm Juhang Aviation Technology Shenzhen Co, Redlepus TSK Vektor Industrial (Shenzhen) và Xiamen Limbach Aviation Engine Co. Ba công ty này bị cáo buộc tham gia “mạng lưới mua hàng và sản xuất” thông qua một trung gian người Nga để cung cấp linh kiện chế tạo máy bay không người lái tấn công Garpiya-3.
Công ty Xiamen Limbach Aviation Engine cũng bị cáo buộc chia sẻ thiết kế động cơ với “các thực thể có liên quan tới hoạt động sản xuất máy bay không người lái tấn công Shahed-136” do Iran sản xuất.
Với việc bị đưa vào danh sách trừng phạt, các cá nhân và doanh nghiệp trên sẽ bị cấm đi lại, đóng băng tài sản và cấm huy động vốn tại EU.
Ở một diễn biến khác, Brussels đã đưa thêm 7 doanh nghiệp đăng ký tại Trung Quốc và Hồng Kông vào “danh sách đen”, đồng nghĩa các doanh nghiệp này sẽ “bị hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt hơn với các loại hàng hóa lưỡng dụng và sản phẩm công nghệ, công nghệ cao”. Hàng hóa lưỡng dụng là các mặt hàng được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Động thái đưa các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách trừng phạt trên là đợt trừng phạt thứ 15 của EU kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Theo Ủy viên dịch vụ tài chính mới của EU, bà Maria Luis Albuquerque, mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là "làm suy yếu nền kinh tế cũng như khả năng theo đuổi cuộc chiến ở Ukraine của Nga”.
“Với mỗi đợt trừng phạt mới, chúng tôi đều tăng tính hiệu quả và bịt các lỗ hổng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy như một phần trong cam kết hỗ trợ Ukraine và người dân nước này của mình”, bà Albuquerque said, cho biết.
Cũng nằm trong gói trừng phạt mới của EU, 2 quan chức cấp cao của Triều Tiên – Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol và Kim Yong-buk, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên – cũng bị đưa vào danh sách do vai trò ngày càng lớn của Bình Nhưỡng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Gói trừng phạt mới này cũng bổ sung 52 tàu chở dầu “bóng đêm” của Nga. Theo đó, các tàu này sẽ bị cấm vào các cảng đắc địa cũng như cấm tiếp cận các dịch vụ quan trọng. Đây là các tàu bị cáo buộc “hoạt động ngầm”, vận chuyển đầu bất hợp pháp của Nga cho các khách hàng bí mật và mang về hàng tỷ USD cho ngân sách Nga.
“Các tàu này bị phát hiện tham gia hoạt động vận chuyển dầu hoặc các sản phẩm xăng dầu của Nga, cũng như vận chuyển vũ khí, ngũ cốc hoặc hỗ trợ cho ngành năng lượng Nga”, thông cáo báo chí về gói trừng phạt mới của EU viết.
Các quan chức EU dự kiến sẽ sớm thảo luận về việc đưa một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Tân Cương vào danh sách trừng phạt. Nhà máy được cho là đang sản xuất máy bay quân sự cho Nga. Vấn đề này dự kiến được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels vào thứ Năm tuần này với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia thành viên.