Kể từ khi được đưa vào sử dụng vào tháng 1/1999, đồng tiền chung khu vực châu Âu đã có nhiều “phen” điều chỉnh trước những “cú sốc” của nền kinh tế thế giới. Đồng tiền này đã từng xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 10/2000 khi suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra.
Đến ngày 13/7/2022, đồng EUR một lần nữa “rơi” xuống mức dưới 1 USD (1 EUR đổi được dưới 1 USD), đánh dấu lần đầu tiên trong 20 năm qua, đồng EUR bị giảm giá trị so với đồng USD.
Mặc dù cặp tỷ giá EUR/USD đang ảnh hưởng trực tiếp tới hai nền kinh tế lớn là Mỹ và châu Âu nhưng với độ mở lớn của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng về lâu dài, điều này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam khi các nước tung ra các biện pháp điều chỉnh.
Tiếp nối cuộc đối thoại chuyên đề “Biến động tỷ giá EUR/USD và những tác động tới Việt Nam” với ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global về vấn đề này.
Theo chuyên gia Võ Đình Trí, đồng EUR liên tục giảm so với đồng USD trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên tốc độ giảm của đồng tiền này đặc biệt nhanh kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Tương quan sức mạnh kinh tế giữa Mỹ và châu Âu cùng triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm, sự phụ thuộc khí đốt vào Nga, lạm phát leo thang tại khu vực Eurozone… được xem là những nhân tố thúc đẩy đồng EUR “trượt dài”.
Mặc dù châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nhưng các hợp đồng ngoại thương hiện nay chủ yếu được quy đổi ra đồng USD vì vậy theo ông Trí, biến động của cặp tỷ giá VND/USD mới tác động mạnh tới Việt Nam.
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng khu vực châu Âu năm 2022 được dự báo là 2,6%, lạm phát 7,1% (nghĩa là hạ dự báo tăng trưởng, tăng dự báo lạm phát so với báo cáo trước), triển vọng tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp khó.
Cùng với những rủi ro về lãi suất, tỷ giá, chính sách thắt chặt tiêu dùng của người dân… đòi hỏi các doanh nghiệp làm ăn với châu Âu phải có những kịch bản ứng phó phù hợp.