March 19, 2024 | 08:43 GMT+7

Evergrande bị cáo buộc khai khống 78 tỷ USD doanh thu

Bình Minh -

Với cáo buộc này, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn của Evergrande bị "cấm cửa" vĩnh viễn khỏi thị trường chứng khoán...

Ông Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg.
Ông Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg.

China Evergrande Group, công ty phát triển địa ốc khổng lồ đã vỡ nợ và là tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, bị cơ quan giám sát chứng khoán nước này cáo buộc khai khống doanh thu thêm hơn 78 tỷ USD trong vòng 2 năm trước khi sụp đổ.

Trong một thông báo ngày 18/3, Hengda Real Estate Group - công ty con chủ lực tại thị trường Trung Quốc đại lục của Evergrande - cho biết đã bị Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cáo buộc “thổi phồng” doanh thu một khoản 214 tỷ nhân dân tệ, tương đương gần 30 tỷ USD, trong năm 2019 và tiếp tục khai khống thêm 350 tỷ nhân dân tệ nữa trong năm 2020. Mức khai khống doanh thu năm 2019 bằng một nửa tổng doanh thu thực tế, và con số sai lệch của năm 2020 tương đương 78,5% mức thực tế.

Cũng theo CSRC, Hengda đã dựa vào những báo cáo tài chính không đúng sự thật này để phát hành trái phiếu, huy động 20,8 tỷ nhân dân tệ từ nhà đầu tư.

CSRC cho rằng trách nhiệm chính trong việc này thuộc về ông Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch của Evergrande. Ông bị cho là người đã chỉ đạo cấp dưới làm sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính hàng năm trong 2 năm nói trên. Theo nhà chức trách, với vai trò giám sát cao nhất trong công ty, ông Hứa đã sử dụng những thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

Với những cáo buộc này, CSRC phạt ông Hứa 47 triệu nhân dân tệ và cấm ông vĩnh viễn không được tham gia vào các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán. Hengda bị phạt 4,18 triệu nhân dân tệ. Cựu CEO Xia Haijun và cựu Giám đốc tài chính (CFO) Pan Darong của Evergrande là hai trong số các nhà điều hành cũng bị nhà chức trách phạt tiền và “cấm cửa” khỏi thị trường chứng khoán.

Đây là trở ngại mới nhất đối với ông Hứa, người từng thuộc top giàu nhất châu Á và nắm giữ một “đế chế” kinh doanh trải rộng từ bất động sản tới ô tô điện. Trước khi “sập tiệm”, Evergrande là một trong nhưng công ty địa ốc lớn nhất của Trung Quốc, phát triển mạnh mẽ dựa vào mô hình vay nợ để đầu tư vào các dự án trên toàn quốc. Mô hình này trở thành “gót Asin” của Evergrande sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát hoạt động vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản, cộng thêm nền kinh tế giảm tốc và đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán nhà lao dốc.

Không chỉ khai khống về doanh thu, Hengda còn khai khống lợi nhuận thêm 63% và 78% tương ứng vào năm 2019 và 2020 - theo CSRC. Nhà chức trách cũng nói rằng ông Hui là người chịu trách nhiệm cho việc trì hoãn công bố báo cáo tài chính của Hengda và che giấu thông tin về các vụ kiện tụng mà công ty này vướng vào, cũng như việc công ty không trả nợ đầy đủ.

Ông Hứa đã bị cảnh sát áp dụng biện pháp hạn chế vào tháng 9 năm ngoái do “nghi vấn có hành vi phạm tội hình sự”. Ở thời điểm đó, tờ Caixin nói rằng hai ông Xia và Pan cũng bị tạm giữ. Đến nay, chưa có cáo buộc hình sự nào đối với ông Hứa được công bố, và cũng không rõ hiện ông đang ở đâu. Các biện pháp của CSRC chỉ là hình phạt dân sự.

Năm 2017, ông Hứa sở hữu khối tài sản ròng 42 tỷ USD và là tỷ phú giàu thứ hai ở châu Á. Sau khi Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, ông chỉ còn khoảng 1 tỷ USD tài sản. Cổ phiếu Evergrande đã gần như mất hết giá trị và bị đình chỉ giao dịch. Tháng 1 năm nay, Evergrande bị toà án ở Hồng Kông ra phán quyết yêu cầu thanh lý tài sản, giải thể công ty - đánh dấu vụ sụp đổ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài 3 năm ở Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, một biệt thự nữa của ông Hứa ở Hồng Kông lại đang được rao bán. Dinh thự ở khu nhà giàu Peak tìm khách mua trong thời gian từ nay đến ngày 22/4 - theo niêm yết của công ty tư vấn và môi giới bất động sản Savills.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate