Hôm 4/3, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra thông báo yêu cầu các cơ sở chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về quy mô đàn lợn nhằm “ngăn ngừa biến động lớn về công suất sản lượng lợn” sau một thời gian đã có nhiều biến động.
Đàn lợn của Trung Quốc - lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa số đầu lợn được nuôi trên toàn cầu - đã giảm mạnh trong thời gian xảy ra dịch tả lợn châu Phi từ năm 2018-2021. Đợt dịch đó đã khiến một số lượng lớn những con lợn bị tiêu hủy, đẩy giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng vùn vụt. Bị hấp dẫn bởi mức giá thịt lợn ngày càng đắt đỏ, các cơ sở chăn nuôi đã ồ ạt tăng số đầu lợn trong những năm sau đó, kéo theo là tình trạng dư thừa sản lượng thịt lợn.
Năm 2023, số đầu lợn được nuôi ở Trung Quốc là 434 triệu con, tăng mạnh từ mức thấp 310 triệu con vào năm 2019.
Giá thịt lợn - loạt thực phẩm chủ lực ở Trung Quốc và là thành phần quan trọng nhất trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này - đã giảm mạnh do thừa cung, làm gia tăng áp lực giảm phát đã “ám” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suốt 6 tháng qua.
Chính phủ Trung Quốc nói rằng các quy định cần phải được cập nhật “khi hiệu quả chăn nuôi lợn tiếp tục được cải thiện trong khi tiêu thụ thịt lợn có xu hướng ổn định”, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu dài hạn đối với đàn lợn nái. Tuần trước, Chính phủ Trung Quốc đã giảm mục tiêu duy trì đàn lợn nái từ 41 triệu con xuống còn 39 triệu con, đồng thời cho biết sẽ chú ý chặt chẽ đến việc kiểm soát các dịch bệnh bao gồm dịch tả lợn châu Phi.
Trong một báo cáo vào tuần trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định “tình trạng dư thừa công suất trong ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài sang quý 2” và hầu hết các nhà chăn nuôi “có thể tiếp tục đối mặt với thua lỗ”.
Fitch cho rằng các nhà chăn nuôi ở Trung Quốc không muốn giảm quy mô đàn lợn và điều này “có thể một phần xuất phát từ mong muốn của nhà chăn nuôi về duy trì thị phần và thu hồi vốn các khoản đầu tư trước đó”.
Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm 0,8% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, do giá thực phẩm giảm 5,9%, trong đó giá thịt lợn giảm 17%. Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, CPI lõi của Trung Quốc tăng 0,4%.
Theo phân tích của ngân hàng Nomura dựa trên dữ liệu mới nhất hiện có, giá thịt lợn ở Trung Quốc giảm 13,6% trong năm 2023. So với tháng trước, giá thịt lợn ở nước này giảm 0,2% trong tháng 1 năm nay, cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu đi một cách bất thường dù ở thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
“Giá thịt lợn gần như không thay đổi trong tháng 1 là điều mâu thuẫn với việc giá thịt lợn thường tăng trước kỳ nghỉ đón năm mới cổ truyền của Trung Quốc và cho thấy nhu cầu thịt lợn yếu”, một báo cáo của Nomura nhận định.
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters ngày 4/3, Chủ tịch Liu Yonghao của New Hope Group - một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc - bày tỏ lạc quan rằng giá thịt lợn ở nước này sẽ tăng trở lại trong năm nay, khi các chính sách kích thích thị trường của Chính phủ phát huy tác dụng.
Theo ông Liu, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn đã phát triển mạnh trong những năm gần đây và ưu tiên tăng trưởng cũng như thị phần hơn là lợi nhuận, dẫn tới dư thừa nguồn cung. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn chậm lại đã gây thêm áp lực cho các trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ hơn đang vật lộn với thua lỗ nặng nề và nợ nần chồng chất, buộc họ phải giảm bớt đàn lợn hoặc bán trang trại.
“Các doanh nghiệp chăn nuôi đã đầu tư rất nhiều tiền và không sẵn sàng từ bỏ”, ông Liu nói, cho rằng sự mất cân đối giữa sự gia tăng mạnh mẽ của sản lượng lợn và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm đã kéo dài thời kỳ suy giảm của giá thịt lợn. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng khi nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
“Tôi vẫn lạc quan. Tôi tin rằng sau gần 3 năm liên tiếp giá thịt lợn xuống thấp, khả năng có thêm thêm 3 năm như vậy nữa là rất nhỏ và khả năng giá thịt tăng là cao hơn”, ông Liu nói.