China Evergrande Group đang đối mặt với “bài kiểm tra” thanh khoản lớn nhất kể từ khi bắt đầu lâm vào khủng hoảng nợ cách đây 5 tháng.
Theo hãng tin Bloomberg, giới đầu tư đang chờ xem liệu Evergrande có thanh toán được số tiền lãi tổng cộng 148,1 triệu USD của ba lô trái phiếu USD trước khi hết thời gian ân hạn vào ngày 10/11. Evergrande đã không thanh toán được số tiền lãi này khi đáo hạn vào tháng trước.
“Bài kiểm tra” này diễn ra trong bối cảnh áp lực trên thị trường vốn lan sang các công ty bất động sản khác của Trung Quốc, thậm chí trái phiếu USD của các doanh nghiệp có định hạng tín nhiệm cao cũng bị bán tháo trong những phiên giao dịch gần đây. Điều này cho thấy nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng khủng hoảng nợ Evergrande loang rộng trong ngành bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu Evergrande không thanh toán được số tiền lãi nói trên trong ngày 10/11, công ty có thể rơi vào trạng thái vỡ nợ chéo đối với 19,2 tỷ USD dư nợ trái phiếu USD. Khi Evergrande ở trong một tình thế như vậy, các chủ nợ của công ty sẽ có lợi thế hơn trong việc đàm phán tái cơ cấu nợ của công ty.
Đến thời điểm hiện tại, Evergrande đã tránh được thảm cảnh vỡ nợ bằng cách thanh toán các khoản lãi trái phiếu đáo hạn vào phút chót trước khi hết thời gian ân hạn. Một số chủ nợ trái phiếu do một công ty con của Evergrande phát hành đã không nhận được tiền lãi đáo hạn vào hôm thứ Bảy vừa rồi, nhưng hai khoản lãi này cũng đều có thời gian ân hạn 30 ngày. Ngoài ra, Evergrande còn đến hạn phải thanh toán hai khoản lãi trái phiếu nữa vào tháng 12.
Trái phiếu USD của Evergrande vẫn đang đối mặt áp lực giảm giá lớn do khả năng cao công ty phải trải qua một cuộc tái cơ cấu nợ. Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị nhà sáng lập kiêm CEO của Evergrande là tỷ phú Hứa Gia Ấn dùng tài sản cá nhân để trả bớt nợ của công ty.
Cho tới gần đây, cuộc khủng hoảng nợ Evergrande mới chỉ ảnh hưởng đến các công ty địa ốc có định hạng tín nhiệm khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy ngày qua, các công ty có điểm tín nhiệm cao của nước này, bao gồm cả doanh nghiệp địa ốc và trong các lĩnh vực khác như công nghệ và ngân hàng, cũng chứng kiến trái phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh. Điều này cho thấy ảnh hưởng từ “bom nợ” Evergrande đang ngấm rộng trong nền kinh tế Trung Quốc khi nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ không giải cứu các doanh nghiệp gặp khó.
Sức ép ngày càng lớn đã đẩy lợi suất trái phiếu “rác” (junk bond, hạng không được khuyến nghị đầu tư) do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành để vay vốn USD tăng vọt lên mức 23%. Mức lãi suất này về cơ bản khiến nhiều công ty bất động sản Trung Quốc mất khả năng huy động vốn ở thị trường nước ngoài và gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn tiếp theo. Trong tháng 10 vừa qua, giá trị phát hành trái phiếu USD mới của các công ty bất động sản Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng.