Nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn sử dụng khối tài sản cá nhân để giải toả bớt cuộc khủng hoảng nợ ở China Evergrande Group – công ty bất động sản khổng lồ do ông Hứa sáng lập và điều hành, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Nguồn tin nói rằng chỉ đạo trên được Bắc Kinh đưa ra với ông Hứa sau khi Evergrande trễ hạn thanh toán tiền lãi của một lô trái phiếu USD vào hôm 23/9. Tuy nhiên, sau thời gian ân hạn 30 ngày, Evergrande đã trả được khoản lãi này vào cuối tuần trước, theo đó tạm thời ngăn chặn rủi ro vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Chính quyền các địa phương Trung Quốc đang theo dõi các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo rằng tiền mặt của công ty được sử dụng để hoàn tất các dự án dang dở và không được dùng để thanh toán cho các chủ nợ, theo nguồn tin.
TÍN HIỆU BẮC KINH KHÔNG MUỐN GIẢI CỨU EVERGRANDE
Việc yêu cầu ông Hứa dùng tiền túi để trả nợ cho Evergrande là một dấu hiệu nữa cho thấy Bắc Kinh không muốn trực tiếp ra tay giải cứu Evergrande, cho dù cuộc khủng hoảng nợ của công ty này đang lan sang các doanh nghiệp địa ốc khác và phủ bóng lên thị trường bất động sản Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang tăng cường giám sát đối với giới tỷ phú nước này, như một phần trong nỗ lực nhằm đạt tới mục tiêu “thịnh vượng chung” về rút ngắn khoảng cách giàu nghèo mà Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh thời gian gần đây.
Hiện chưa rõ khối tài sản của ông Hứa có đủ lớn và đủ độ thanh khoản để giảm đáng kể lượng nghĩa vụ nợ lên tới hơn 300 tỷ USD ở thời điểm tháng 6 của Evergrande. Trái phiếu USD của công ty này hiện đang giao dịch với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với mệnh giá do các nhà đầu tư lường trước khả năng Evergrande sẽ phải trải qua một cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.
Khối tài sản ròng cá nhân của ông Hứa đã giảm còn khoảng 7,8 tỷ USD từ mức đỉnh là 42 tỷ USD vào năm 2017, theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index. Tuy nhiên, không ai có thể xác nhận con số này.
Ngoài ra, phần lớn tài sản của ông Hui được biết là nằm ở cổ phần kiểm soát của ông trong Evergrande và cổ tức dưới dạng tiền mặt mà ông nhận được từ công ty kể từ khi Evergrande lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông vào năm 2009. Ông Hứa đã “bỏ túi” khoảng 8 tỷ USD cổ tức trong vòng 1 thập kỷ qua nhờ chính sách cổ tức hào phóng của Evergrande, theo ước tính của Bloomberg. Hiện không rõ ông có dùng số tiền cổ tức này để tái đầu tư hay không.
Việc Evergrande thoát bờ vực vỡ nợ vào tuần trước đã khiến giới quan sát ngạc nhiên, khi công ty bất ngờ thanh toán được 83,5 triệu USD tiền lãi của lô trái phiếu USD ngay trước khi thời kỳ ân hạn kết thúc vào hôm 23/10. Hiện chưa rõ Evergrande huy động số tiền này từ đâu. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, ông Hứa đã nhất trí dùng tiền túi để rót vào một dự án chung cư đầu tư bằng tiền từ phát hành trái phiếu, nhằm đảm bảo dự án hoàn thành và nhà đầu tư trái phiếu được thanh toán đầy đủ.
“Bài kiểm tra” tiếp theo đối với Evergrande sẽ là khoản lãi trái phiếu USD hết thời gian ân hạn vào ngày 29/10. Ngoài ra, công ty còn có một lượng nợ lớn phải thanh toán vào năm 2022, trong đó có khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu phát hành trong và ngoài nước.
Nỗ lực bán tài sản lấy tiền trả nợ của Evergrande trong những tháng gần đây gần như chưa đạt kết quả gì, cho dù ông Hứa đã rao bán cổ phần trong những công ty con từng là niềm tự hào của ông như công ty ô tô điện, công ty nước đóng chai...
Tuần trước, Evergrande cho biết đã chấm dứt cuộc đàm phán bán lại cổ phần trong công ty con về quản lý bất động sản. Thương vụ đổ vỡ cho dù chính quyền Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở, giúp dàn xếp một thoả thuận – nguồn thạo tin tiết lộ.
QUYẾT TÂM SIẾT KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG NHÀ ĐẤT CỦA TRUNG QUỐC
Cách đây mới 1 năm, hỗ trợ tương tự, cộng thêm sự giúp đỡ từ những người bạn giàu có của ông Hứa, đã đủ để công ty vượt qua một giai đoạn căng thẳng về thanh khoản, sau khi kế hoạch niêm yết cửa sau cho một công ty con ở đại lục thất bại. Giờ đây, “đế chế” bất động sản của ông Hứa đang là một trong những “nạn nhân” lớn nhất của việc Bắc Kinh triển khai chiến lược giảm nợ trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản để ngăn nguy cơ hình thành bong bóng trên thị trường nhà đất.
Trong tháng 8, Bộ Nhà ở và Phát triển nông thôn-đô thị của Trung Quốc đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tại các địa phương giám sát nguồn quỹ của các dự án Evergrande trong các tài khoản uỷ thác. Dưới sự giám sát gia tăng này, các nguồn tiền của Evergrande phải được sử dụng để hoàn thành các dự án đang dang dở - theo nguồn tin.
Evergrande hiện còn chưa xây xong 1,6 triệu căn hộ mà khách hàng đã đặt cọc để mua. Doanh số bán nhà của công ty này giảm 97% trong mùa cao điểm năm nay, khiến dòng tiền càng thêm thắt chặt.
Khủng hoảng ở Evergrande đã ảnh hưởng đến toàn thị trường bất động sản Trung Quốc. Tâm lý người mua nhà ở nước này trở nên bi quan và trong tháng 9, giá nhà ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 6 năm.
Tuần trước, cơ quan giám sát ngân hàng của Trung Quốc tuyên bố giữ vững quyết tâm kiềm chế thị trường bất động sản, cho dù các chính sách này gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp địa ốc vay nợ nhiều như Evergrande. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho rằng rủi ro từ vụ Evergrande là “có thể kiểm soát” và sẽ không lan rộng.