Hội thảo trực tuyến về “Hành trình một năm Hiệp định EVFTA”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, đã diễn ra vào thời điểm tròn 1 năm kỷ niệm ngày Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tính lịch sử này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mang đến nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khi được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.
Ngay tại thời điểm có hiệu lực, 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu cạnh tranh bình đẳng với các công ty từ các quốc gia khác mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Và khi ấy, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với đầu tư của châu Âu. Hàng hóa Việt Nam sẽ được đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn và thịnh vượng với khoảng 450 triệu dân của EU.
Số liệu thống kê được đưa ra tại hội thảo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD. Đây là mức tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu.
Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi Hiệp định này được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU.
"Ngoài cắt giảm thuế quan, EVFTA còn hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, cải cách luật pháp và phát triển bền vững".
Tiến sĩ Carsten Schittek, Đại biện Lâm thời, Bộ trưởng, Tham tán Thương mại của Phái đoàn EU tại Việt Nam
Hiệp định mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư của EU trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như giáo dục đại học, dịch vụ máy tính, phân phối, viễn thông.
Song song với các cơ hội, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham dẫn kết quả Chỉ số môi trường Kinh doanh EuroCham (Business Climate Index - BCI) mới nhất cho thấy, gần 2/3 số công ty đã được hưởng lợi từ EVFTA, đồng thời chỉ ra khó khăn trong các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính (như hải quan và quy trình xuất nhập khẩu) và hàng rào kỹ thuật thương mại.
Các đại diện tại hội thảo đều tái khẳng định tầm quan trọng của EVFTA và EVIPA đối với tương lai quan hệ thương mại Việt Nam-EU. Do đó, các ý kiến đề xuất việc hợp tác và đối thoại giữa hai bên cần nhiều hơn nữa để đảm bảo việc thực thi hai Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công.
Theo ông Alain Cany, hiện tại, các Chính phủ trên thế giới đều đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua EVFTA.
Trên thực tế, Hiệp định đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, một khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại và phục hồi.
“Cũng như vaccine sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế - sức khỏe thì thương mại tự do, công bằng dựa trên luật lệ sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về kinh tế. Đối với Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, EVFTA sẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất”, ông Alain Canynhận định.
Ông Alain Cany nhấn mạnh thêm nếu chúng ta muốn phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Việc Hiệp định thực thi chưa phải là kết quả cuối cùng. Chúng ta cần duy trì nỗ lực trong thập kỷ tiếp theo tương tự như những gì chúng ta đã làm suốt 10 năm qua.