August 04, 2022 | 10:30 GMT+7

Exports to face challenges over remainder of 2022

Mạnh Đức -

Vietnam’s exports totaled more than $216 billion in the first seven months of 2022, a 16.1 per cent increase year-on-year. Maintaining export growth over the closing months of the year is expected to face challenges as demand from import markets is affected by inflation and recession.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 8,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,8%.

30 MẶT HÀNG ĐẠT KIM NGẠCH TRÊN 1 TỶ USD

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,99 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 159,36 tỷ USD, tăng 15,7%, chiếm 73,7%.

Trong 7 tháng qua, có tới 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,5%).

Xuất khẩu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 1

Điểm đáng chú ý, mặc dù về kim ngạch xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước vẫn còn khoảng cách xa so với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, song về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lại cao hơn. Điều này cho thấy, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.

Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu và định hướng về chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.

Trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và nông nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến đạt 191,97 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 88,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, lâm sản cũng có mức tăng trưởng khá cao với kim ngạch xuất khẩu đạt 14,62 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm hàng thủy sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục với 6,6 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận của nhóm hàng này trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, biến đổi khí hậu, lạm phát thế giới, tỷ giá đồng Euro “tuột dốc”.

Xuất khẩu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 2

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả trên đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tận dụng, nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi nhu cầu được phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới tiếp tục trong bối cảnh các FTA đã thực thi được một thời gian, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định.

Từ chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,53 tỷ USD, tăng 13,7%. Có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,8%).

Như vậy, sau 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.

TẬN DỤNG CÁC CƠ HỘI ĐỂ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU

Cho dù xuất khẩu 7 tháng năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, song Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng… sẽ ảnh hưởng đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu. Lo ngại hơn, trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng cao sẽ tác động đến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử như ngành gỗ, tại hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3/2022 mới đây, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết hầu hết các doanh nghiệp đang rất khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu gỗ giảm sút.

Lạm phát tăng cao ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Anh... đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ.

Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Điều đáng lưu ý, có tới 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Đối với ngành dệt may, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, dù sản xuất của nhiều doanh nghiệp khả quan, đơn hàng đã được ký đến hết quý 3/2022, song nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu bị gián đoạn khiến doanh nghiệp dè dặt không dám mở rộng sản xuất. Cộng thêm áp lực chí phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp cũng phải tính toán căn cơ hơn.

Hiện nay, nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ của phía bạn khiến việc nhập khẩu nguyên liệu không dễ dàng. Nhiều đối tác không chỉ giao hàng thiếu mà thời gian giao hàng cũng kéo dài do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế tương đối khó khăn.

Tương tự, với ngành da giày, một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp da giày phải đối diện là nguồn cung nguyên, phụ liệu bị hạn chế.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/7, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết trong 6 tháng năm 2022 xuất khẩu của ngành da giày đạt 14 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn rất lớn khi nguồn cung nguyên, phụ liệu bị thiếu và gián đoạn do nguồn nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc cũng như một số nước xung quanh bị hạn chế.

Về tình hình những tháng cuối năm, ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi hiện nay lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và giày dép nói riêng đang rất lớn. Khảo sát từ các doanh nghiệp và các nhãn hàng cho thấy, từ nay đến quý 1/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nay thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn…Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, trên 200%.

Bối cảnh này đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate