November 25, 2024 | 18:33 GMT+7

Facebook, Google phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ

Như Quỳnh

Nghị định 147/2024/NĐ-CP yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google,... gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ và áp dụng biện pháp khóa tài khoản vi phạm theo yêu cầu từ cơ quan chức năng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kinh doanh trên Internet tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như mạo danh, lan truyền thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo trực tuyến và gian lận thương mại điện tử.

Trước thực trạng này, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 (thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP) nhằm tăng cường quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định là việc siết chặt quy định xử lý vi phạm đối với các dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Netflix,… khi hoạt động tại Việt Nam.

Đáng chú ý, điểm mới trong Nghị định 147 nêu rõ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong thời hạn tối đa 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền qua văn bản hoặc phương tiện điện tử.

Nghị định cũng quy định rõ về việc xử lý các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng và kênh nội dung vi phạm. Theo đó, sẽ khóa tạm thời các tài khoản hoặc trang có ít nhất 5 lần vi phạm trong vòng 30 ngày hoặc 10 lần vi phạm trong 90 ngày. Thời gian khóa dao động từ 7 đến 30 ngày, tùy mức độ và số lần vi phạm.

Đồng thời, sẽ khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang hoặc kênh nội dung đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời 3 lần trở lên.

Việc gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn này chỉ được thực hiện sau khi các vi phạm được xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ngoài ra, Nghị định 147 cũng đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho cả người sử dụng Internet và các nhà cung cấp dịch vụ.

Trong đó, người dùng phải xác thực danh tính và chịu trách nhiệm về nội dung mình đăng tải. Các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng hoặc pháp luật địa phương sẽ bị gỡ bỏ nội dung hoặc khóa tài khoản với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, các nền tảng có trách nhiệm sàng lọc, bảo vệ thông tin người dùng và ngăn chặn rò rỉ dữ liệu, đảm bảo lợi ích và sự an toàn của khách hàng.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, Nghị định đã làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, giúp thúc đẩy một không gian số an toàn, năng động và tích cực.

Việc ban hành Nghị định 147 được đánh giá là đúng thời điểm, khi hạ tầng công nghệ tại Việt Nam đã hoàn thiện. Hiện nay, toàn bộ người dân đã được cấp mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, cùng với việc định danh các tài khoản viễn thông và tài khoản thanh toán, tạo cơ sở để thực thi các quy định một cách hiệu quả.

Nghị định 147 áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ trên Internet. Đây là cơ sở để tăng cường quản lý, bảo đảm một môi trường số minh bạch, lành mạnh và bình đẳng cho mọi đối tượng.

Kỳ vọng Nghị định sẽ tăng cường hiệu quả quản lý nội dung trên không gian mạng, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi của người dân trong môi trường trực tuyến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate