April 12, 2022 | 16:42 GMT+7

Facebook tốn gần 27 triệu USD để bảo vệ an toàn cho CEO Mark Zuckerberg

Đức Anh -

Chi phí bảo vệ Mark Zuckerberg cao gấp nhiều lần so với các "sếp" công ty công nghệ lớn khác tại Mỹ...

Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Meta - Ảnh: Getty Images
Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Meta - Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) gần đây, Meta Platforms Inc., công ty mẹ của Facebook, năm ngoái đã chi 27 triệu USD để bảo vệ sự an toàn của CEO Mark Zuckerberg. Con số này lớn gấp nhiều lần so với các hãng công nghệ tương tự tại Mỹ.

Cụ thể, trong năm ngoái, công ty này đã tốn 15,2 triệu USD cho các chi phí liên quan tới việc bảo vệ cho vị CEO 37 tuổi tại nhà riêng và trong hoạt động đi lại cá nhân. Ngoài ra, công ty trợ cấp 10 triệu USD (trước thuế) cho Zuckerberg để chi cho dịch vụ bảo vệ gia đình ông, và 1,6 triệu USD khác để ông và gia đình dùng máy bay riêng để đi lại. Tổng cộng, chi phí an ninh cho Zuckerberg và gia đình ông của Meta trong năm ngoái là 26,8 triệu USD, tăng 6% so với năm 2020.

Giải thích cho sự gia tăng này, Meta cho biết Zuckerberg đã phải đi lại thường xuyên hơn, cộng với các chi phí tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 và chi phí nhân viên an ninh tăng lên. Đây gần như là toàn bộ đãi ngộ mà Meta dành cho Zuckerberg bởi ông chỉ nhận lương 1 USD/năm và không nhận thêm bất kỳ khoản thưởng bằng tiền mặt hay cổ phiếu nào.

Chi phí an ninh dành cho Zuckerberg năm 2021 cao gấp nhiều lần so với lãnh đạo tại các hãng công nghệ khác. Ví dụ, năm ngoái, hãng thương mại điện tử Amazon chỉ tốn 1,6 triệu USD để bảo vệ Chủ tịch Jeff Bezos. Trong khi đó, hãng xe điện Tesla không công bố bất kỳ chi phí an ninh nào liên quan tới CEO Elon Musk.

Facebook tốn gần 27 triệu USD để bảo vệ an toàn cho CEO Mark Zuckerberg - Ảnh 1

Theo báo cáo của công ty, Zuckerberg “đồng nghĩa” với Meta trong bối cảnh mối quan tâm dành cho ông từ truyền thông cũng như các nhà lập pháp, quản lý ngày càng lớn và những cảm xúc tiêu cực có liên quan trực tiếp tới Meta thường được chuyển sang nhắm tới Zuckerberg.

Năm ngoái, Meta chịu sự giám sát nghiêm ngặt sau khi cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ nhiều tài liệu nội bộ, trong đó cho thấy nền tảng mạng xã hội Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn là kiểm duyệt nội dung.

Meta cũng chi mạnh tay để bảo vệ an toàn cho các lãnh đạo khác của công ty, bao gồm gần 9 triệu USD cho giám đốc hoạt động (COO) Sheryl Sandberg. Con số này không bao gồm 2,3 triệu USD cho việc sử dụng máy bay riêng để đi lại cá nhân của bà Sandberg.

Từ năm 2022, Meta sẽ chi trả chi phí đi lại cá nhân của ông Zuckerberg trên máy bay cá nhân thuộc sở hữu của ông này và do một công ty bên ngoài vận hành.

“Với việc đi lại của ông Zuckerberg trên máy bay thuộc sở hữu của ông ấy, chúng tôi sẽ thanh toán theo giá thị trường”, Meta cho biết trong báo cáo.

Cuối tháng 10 năm ngoái, giữa lúc “cơn bão” dữ dội liên quan tới tố cáo của cựu nhân viên, Facebook thông báo thay đổi trọng tâm chiến lược sang metaverse (vũ trụ ảo) và đổi tên công ty thành Meta.

Hãng này cũng quyết tâm thay đổi hình ảnh thương hiệu, điển hình với việc đổi tên tính năng News Feed – trọng tâm trong trải nghiệm người dùng của Faecbook suốt nhiều năm – thành Feed. Còn các nhân viên của Facebook, trước đây được gọi là Facebooker, nay trở thành Metamates (cộng sự Meta).

Các giá trị doanh nghiệp của công ty này cũng được làm mới. Không còn những câu như: “Hãy dũng cảm”, Facebook đã giới thiệu nguyên tắc mới như “tập trung vào những tác động lâu dài”, và “Thẳng thắn và tôn trọng đồng nghiệp”.

Công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng những thay đổi này là cần thiết bởi “chúng tôi hiện là một công ty metaverce, xây dựng tương lai của sự kết nối xã hội”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate