Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/5), sau khi biên bản cuộc họp tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhất trí rằng nền kinh tế Mỹ còn cách xa các mục tiêu của Fed nhưng một số quan chức đã tính đến việc thảo luận về cắt giảm chương trình mua trái phiếu.
Thị trường mở cửa trong trạng thái giảm điểm và S&P 500 giảm sâu hơn sau khi biên bản trên được công bố.
Nhà đầu tư ít nhiều lo ngại khi thấy biên bản này phản ánh rằng một số quan chức thuộc Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định chính sách tiền tệ trong Fed – nghĩ rằng nếu nền kinh tế duy trì sự tiến triển nhanh chóng, sẽ là phù hợp nếu“đến một thời điểm nào đó” trong những cuộc họp sắp tới, Fed bắt đầu bàn về giảm quy mô chương trình mua tài sản.
Dù đây là một tín hiệu hết sức dè dặt, thị trường cũng cảm thấy lo lắng về khả năng chính sách tiền tệ có thể thắt chặt sớm hơn dự kiến.
Hiện nay, cùng với việc giữ lãi suất ngắn hạn siêu thấp ở 0-0,25%, Fed còn chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm mục đích giữ cho lãi suất dài hạn ở mức thấp.
Cũng có một số chuyên gia cho rằng Fed vẫn xem lạm phát là tạm thời và sẽ không sớm thay đổi lập trường.
“Các quan chức Fed vẫn có quan điểm rằng áp lực lạm phát – dù bắt đầu trở nên rõ ràng hơn – vẫn sẽ là chỉ là vấn đề tạm thời và có thể dịu đi khi chúng ta bước sang năm 2022”, Giám đốc đầu tư Bill Northey thuộc US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.
Gần đây, các chỉ số lạm phát mạnh và dấu hiệu khan hiếm lao động ở Mỹ đã làm dấy lên mối lo về lạm phát leo thang và nguy cơ thắt chặt chính sách tiền tệ, dù giới chức Fed vẫn trấn an rằng sự gia tăng của giá cả chỉ là tạm thời.
Nỗi lo lạm phát đã khiến chứng khoán Mỹ có những phiên giảm điểm mạnh. Phiên đêm qua là phiên đi xuống thứ ba liên tiếp của các chỉ số.
Cuộc bán tháo trên thị trường tiền ảo cũng được xem là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên này. Hai đồng tiền ảo lớn nhất là Bitcoin và Ethereum có lúc giảm tới 30% và 40%, sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm các định chế tài chính và côn ty thanh toán cung cấp các dịch vụ có liên quan đến tiền ảo. Chứng kiến phiên “tắm máu” của tiền ảo, tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư cũng suy giảm phần nào.
Ngoài ra, các cổ phiếu liên quan đến tiền ảo như Coinbase, Riot Blockchain, Marathon Digital… đồng loạt giảm sâu. Trong đó, Coinbase giảm 5,9%; Riot giảm 5,6%; và Marathon sụt 5,6%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,48%, còn 33.896,04 điểm. S&P 500 giảm 0,29%, còn 4.115,68 điểm. Nasdaq giảm 0,03%, còn 13.299,74 điểm.
Trên sàn NYSE, số mã giảm giá nhiều gấp 2,15 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,71 lần. Toàn thị trường có 10,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức 10,6 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.