May 18, 2021 | 06:00 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều mối lo lớn hơn cả sức ép lạm phát

Điệp Vũ -

Trong lúc giới đầu tư toàn cầu mất ăn mất ngủ về lạm phát, Trung Quốc có nhiều chuyện phải lo hơn cả sự leo thang của giá cả...

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.

Trong lúc giới đầu tư toàn cầu mất ăn mất ngủ về lạm phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có nhiều chuyện phải lo hơn cả sự leo thang của giá cả.

Để vực dậy nền kinh tế bị đại dịch Covid-19 đốn gục, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp suốt hơn 1 năm qua, và Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Giờ đây, khi giá cả tăng lên, nhà đầu tư lo ngại vì cho rằng áp lực lạm phát sẽ buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, PboC ở thời điểm này lại không lo về lạm phát hay tính chuyện điều chỉnh chính sách tiền tệ, vì cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro cấp bách hơn.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý 1 công bố cách đây ít ngày, PBoC tập trung nhấn mạnh rằng nền tảng cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn chưa vững chắc. “Tiêu dùng của người dân vẫn bị hạn chế và tăng trưởng đầu tư còn chưa đủ mức”, báo cáo viết. PboC cũng nói rằng các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ còn đối mặt nhiều khó khăn và đảm bảo công ăn việc làm vẫn là một thách thức lớn.

Báo cáo nói nhiều về lạm phát tăng lên trên phạm vi toàn cầu, đồng thời dự báo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian còn lại của năm do giá hàng hoá cơ bản leo thang. PBoC cũng nói lạm phát tăng ở các nền kinh tế lớn sẽ gia tăng sức ép mất giá đồng tiền và dòng vốn chảy khỏi một số nền kinh tế mới nổi.

Số liệu công bố tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2%, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 6,2%, mạnh nhất từ trước đến nay. PPI tháng 4 của Trung Quốc tăng 6,8%, mạnh nhất hơn 3 năm, nhưng CPI chỉ tăng 0,9% do giá thịt lợn hạ nhiệt.

 

Bấp bênh tài chính đã gia tăng, thể hiện qua bong bóng bất động sản phình to, mức nợ cao, và rủi ro vỡ nợ lớn. Vội vã rút khỏi các chính sách kích cầu sẽ mang tới thêm rủi ro tài chính cho Trung Quốc.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm hơn 2% trong tuần trước do mối lo lạm phát. Trái lại, chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc tăng 2%.

“Nếu giá cả có tăng ở Trung Quốc, thì đó cũng không phải do nhu cầu nội địa quá nóng. Nhu cầu trong nước nóng thì mới cần điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tôi vẫn cho rằng lãi suất chính sách của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Francoise Huang của Allianz nhận định.

Giám đốc nghiên cứu Zong Liang của Bank of China dự báo sớm nhất cũng phải đến nửa sau của năm nay Trung Quốc mới điều chỉnh chính sách tiền tệ. Theo ông Zong, tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, cho dù chiến dịch tiêm phòng Covid được đẩy mạnh có thể thúc đẩy tiêu dùng ở nước này trong quý 2.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự thận trọng của Bắc Kinh về kinh tế: trong một cuộc họp vào hôm thứ Tư tuần trước, giới chức Trung Quốc nói rằng áp lực phải hỗ trợ thị trường việc làm vẫn ở mức cao. Tại cuộc họp, Chính phủ Trung Quốc quyết định tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ công ăn việc làm cho tới cuối năm nay.

Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ đã giảm so với năm ngoái, bởi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 18,3% trong quý 1 năm nay, từ chỗ suy giảm trong quý 1 năm ngoái do đại dịch.

Giá nhà tăng nóng đang là một mối lo khác của Chính phủ Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định chính sách nước này chủ trương hành động thận trọng, thay vì thẳng tay nâng lãi suất để hạ sốt. Báo cáo của PboC nói rằng giá nhà cần phải được giữ ổn định, đồng thời nhấn mạnh rằng nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ.

Dù thị trường có vẻ như đang tin rằng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc rút khỏi chính sách tiền tệ ứng phó với khủng hoảng Covid, hiện không có cơ sở vững chắc nào cho những dự báo như vậy – theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Citi Research, ông Li-Gang Liu.

“Bấp bênh tài chính đã gia tăng, thể hiện qua bong bóng bất động sản phình to, mức nợ cao, và rủi ro vỡ nợ lớn”, ông Liu nói. “Chúng tôi cho rằng việc vội vã rút khỏi các chính sách kích cầu sẽ mang tới thêm rủi ro tài chính cho Trung Quốc”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate