FiinRatings vừa công bố báo cáo Đường cong lợi suất với nhiều nội dung đáng chú ý.
Báo cáo cho thấy mức chênh lệch lợi suất hiện nay giữa trái phiếu phi ngân hàng và nhóm ngân hàng đang được nới rộng trong ngắn hạn, ở mức trung bình khoảng 5-6% đối với các kỳ hạn dưới 24 tháng. Lợi suất tới ngày đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng thông thường cao hơn ở mức đáng kể so với trái phiếu ngân hàng, do thường có tính thanh khoản và mức xếp hạng tín nhiệm thấp hơn.
Với nhóm ngân hàng, theo FiinRatings, những trái phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất thường là các trái phiếu có kỳ hạn còn lại khoảng 2-3 năm, với kỳ hạn gốc khoảng 5-7 năm. Việc mua lại trước hạn trái phiếu vừa hỗ trợ ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2 đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn.
Xu hướng chênh lệch lợi suất giữa Trái phiếu ngân hàng và lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng hiện dao động trong khoảng 1,5% - 2% tùy theo kỳ hạn.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp tương đương với thời điểm Covid-19, đây có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.
Các giao dịch trái phiếu ngân hàng trên HNX hiện tại bao gồm cả giao dịch có tính chất repo, đây là hình thức mà bên bán (thường là ngân hàng) bán trái phiếu và cam kết mua lại trái phiếu đó vào một thời điểm trong tương lai với mức giá đã thỏa thuận. Do tính chất này, mức lợi suất tới ngày đáo hạn (YTM) tính toán qua mức giá giao dịch trên thị trường có thể chưa phản ánh đúng bản chất. Dù vậy, hiện tại mức lợi suất của các trái phiếu ngân hàng cũng có sự phân hóa nhất định theo mức điểm xếp hạng tín nhiệm.
Với nhóm phi tài chính, các trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính có thanh khoản cao nhất thường là các trái phiếu có kỳ hạn còn lại dưới 2 năm trong nhóm ngành Bất động sản - đây cũng chính là nhóm ngành tích cực nhất trong hoạt động phát hành trong 3 năm vừa qua, và cũng là nhóm ngành gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh thị trường chung diễn biến không thuận lợi.
Mức lợi suất tới ngày đáo hạn phổ biến đang được giao dịch rơi vào khoảng 10-11% với các doanh nghiệp Bất động sản, và 11-13% với các doanh nghiệp ngành Năng lượng. Mức YTM này tương ứng với mức chênh lệch lợi suất khoảng 4-6% so với lợi suất của các trái phiếu ngân hàng. Nhóm ngành Sản xuất có YTM thấp hơn hai ngành trên, dao động từ 8.5-10%.
Sau giai đoạn thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động mạnh vào cuối năm 2022, có những giao dịch trái phiếu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính đã có lợi suất đáo hạn (YTM) rất cao, từ 20-30%, trong một vài trường hợp đặc biệt có mức YTM đã tăng lên hơn 50%.
Các giao dịch này chủ yếu xảy ra tại các trái phiếu Bất động sản với thanh khoản nhỏ (<100 tỷ) trong khoảng giai đoạn cuối năm 2023-đầu năm 2024, khi các doanh nghiệp chưa có điều kiện thu xếp tài chính để trả nợ hoặc mua lại trái phiếu, cũng như dưới áp lực cắt lỗ từ một số nhà đầu tư.
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 tới nay, nhiều doanh nghiệp Bất động sản đã gặp khó khăn về thanh khoản khi thị trường chung diễn biến không thuận lợi. Do vậy, đã có những trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch với mức lợi suất có thể lên tới 20-25%.
Điều này cũng phần nào phản ánh mức khẩu vị rủi ro tương xứng của những nhà đầu tư đã mua vào, khi các giao dịch này thường diễn ra ở các trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức rất thấp. Đây thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Trong khi đó, áp lực tài chính với họ là tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo, và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức.
Cũng theo đánh giá của FiinRatings, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo có mức đòn bẩy tài chính (Nợ vay/Vốn chủ sở hữu) trung bình lên tới 2,3 lần, cao hơn đáng kể so với các ngành nghề khác do đặc tính thâm dụng vốn và đầu tư ban đầu lớn.
Trong bối cảnh các hướng dẫn cụ thể về triển khai Quy hoạch điện 8 cho các dự án tiếp theo vẫn chưa thực sự rõ ràng, và nguồn vốn dài hạn trong hệ thống còn hạn chế, vẫn còn rất nhiều thách thức và khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.